Những ước vọng từ bục giảng
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) Thư viện tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả cuốn sách "Ước vọng cho học đường" của GS. Huỳnh Như Phương, do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2022 - một tác phẩm giản dị, khiêm tốn như lời tác giả nhận định về công việc của mình: "Nghề giáo là một nghề luôn đòi hỏi sự khiêm tốn. Người dạy học cũng là người đi học suốt đời".
Là nhà giáo chuyên giảng dạy lý thuyết văn học, GS. Huỳnh Như Phương đồng thời là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học. Với tư cách một nhà giáo dạy văn, ông luôn ưu tư về nền giáo dục nước nhà, không ngừng trăn trở về văn học và nghề dạy học của bản thân. Trong hơn 40 năm làm việc, tác giả đã viết nhiều bài báo nhằm đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng dạy và học.
GS. Huỳnh Như Phương
"Ước vọng cho học đường" là cẩm nang giáo dục quốc dân từ giáo dục phổ thông đến đại học. Cuốn sách chọn lựa và tập hợp 20 bài trong hơn 100 bài viết đã được đăng trên báo chí và tham luận hội thảo của tác giả được tổ chức lại theo một chủ đề xuyên suốt, có tính hệ thống, bao quát và cụ thể. Cuốn sách vừa thể hiện tư tưởng và triết lý giáo dục, vừa trình bày các sách lược và giải pháp giáo dục mang tính khoa học, tiến bộ và nhân văn.
Huỳnh Như Phương chủ ý chọn ra những bài viết khoảng hai thập niên đầu thế kỷ XXI để cuốn sách còn giữ được tính thời sự, như vấn đề đổi mới đại học, cải cách chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa, tăng học phí ở bậc trung học - những vấn đề hiện nay vẫn còn "nóng".
Rất nhiều ý tưởng được đưa ra từ 20 năm trước trong cuốn sách này đang được thực hiện trong công cuộc đổi mới giáo dục từ tự chủ đại học, kiểm định, kiểm thảo cho đến chương trình phát triển năng lực cho học sinh phổ thông hôm nay. Điều đó thể hiện tầm nhìn, khả năng phán đoán và tổ chức hoạt động giáo dục của tác giả.
Bằng lối viết điềm tĩnh nhưng sáng rõ, các bài viết bóc tách từng lớp sự kiện để tìm ra gốc rễ và kiến nghị giải pháp. Cuốn sách như một “chứng từ ghi nhận sự biến đổi của nền giáo dục”, đồng thời lưu lại những cảm nghĩ về sinh hoạt ở một môi trường mà cả đời tác giả gắn bó.
Còn biết bao những trăn trở khác nữa về giáo dục của một người cả đời gắn liền với bục giảng. Những trăn trở này không chỉ mang tính thời sự mà là vấn đề có ý nghĩa triết lý, nhân sinh quan, mang tính quyết định của một nền giáo dục. Đó là vấn đề con người trong môi trường giáo dục, là vai trò và tiếng nói của nhà giáo.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Thanh Hoá. Mời quý bạn đọc đón đọc!
-THƯ VIỆN TỈNH THANH HOÁ-
Tin khác