Banner top Thư viện tỉnh Thanh hoá
  • Loading...

THƯ VIỆN THANH HÓA 1975 - 1995:

NHỮNG ĐỈNH CAO ĐÁNG NHỚ

Phạm thế Khang

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

(Nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Thanh Hóa)

 

     Năm nay, Thư viện Thanh Hóa sẽ trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và trưởng thành (1956 - 2016). Mấy ông bạn già – nguyên cán bộ thư viện cứ hối thúc tôi phải viết gì đó về một thời “oanh liệt” của Thư viện xứ Thanh sau khi thống nhất nước nhà và những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Họ đề nghị tôi, vì tôi có may mắn được giao nhiệm vụ Phụ trách, Phó rồi Giám đốc Thư viện Thanh Hóa suốt từ 1975 đến 1994. Tưởng là dễ mà khó quá! Xa thư viện Thanh Hóa khá lâu rồi, biết bao điều đã đổi thay, viết gì bây giờ? Nể bạn và cũng đã trót nhận lời với anh Đỗ Hữu Cương - Giám đốc Thư viện Thanh Hóa, nên tôi cố gắng viết. Nhớ lại và suy ngẫm, có điều kiện đi đây, đi đó, dễ bề so sánh với các địa phương khác trong cả nước, nên tôi mạo muội điểm lại một số những đỉnh cao đáng nhớ của Thư viện Thanh Hóa trong khoảng thời gian 20 năm (1975 - 1995).

     1. Từ thư viện xã đến phòng đọc báo làng:

     Đến nay, ở bất cứ đâu khi nhắc tới việc xây dựng thư viện xã đều không thể không nhắc tới những kinh nghiệm, những bài học của Thanh Hóa. Liên tục trong 5 năm (1976 - 1980), thực hiện chủ trương “xóa điểm trắng về thư viện xã” của Thường vụ Tỉnh ủy, từ miền núi Ngọc Lặc, Bá Thước, Cẩm Thủy... đến vùng lúa đồng bằng Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Đông Sơn... miền biển Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nga Sơn..., khắp nơi sôi nổi hưởng ứng phong trào xây dựng thư viện xã. Niềm tự hào chiến thắng và niềm vui giang sơn thu về một mối như đã thổi vào phong trào xây dựng thư viện xã với “hào khí Đông A” tưng bừng ngày nào. Từng ngày, thông tin về thư viện thứ 50, 100, 150, 200 ra đời... liên tục được đăng tải, được phát trên các báo, đài cứ như tin tức bắn rơi máy bay Mỹ những năm xưa Hàm Rồng rực lửa. Cả tỉnh sôi sục khí thế tiến công, kiên quyết xóa “đói sách, đói báo” của nhân dân. Huyện Hậu Lộc dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào xây dựng thư viện xã trên địa bàn toàn huyện, vinh dự được đón lãnh đạo Bộ Văn hóa về thăm và khen thưởng. Theo phân công, Thư viện tỉnh lo việc đào tạo cán bộ thư viện. Các lớp huấn luyện ngắn ngày được tổ chức liên tục cho các thủ thư cơ sở mà vẫn không theo kịp nhu cầu của phong trào... Không đầy 5 năm, toàn tỉnh đã xây dựng mới hơn 400 thư viện xã. Đây là một con số có ý nghĩa sâu sắc về chủ trương, biện pháp thực hiện và cả về sự phối hợp các lực lượng, xã hội hóa việc xây dựng thư viện. Bước đầu, nhân dân các vùng, miền trong tỉnh đã được đọc sách báo. Phong trào “Góp 1 cuốn để đọc ngàn cuốn” ra đời trong thời điểm này, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Thầy giáo già Lê Huy Hớn - thủ thư Thư viện xã Nam Giang (Thọ Xuân, Thanh Hóa) chính là tác giả của lời hiệu triệu trên. “Phong trào phát triển đến đâu, Thư viện tỉnh có mặt đến” là phương châm hành động của chúng tôi. Ngày ấy làm gì có ô tô, xe máy. Lên rừng, xuống biển hầu hết là đi xe đạp. Không thể tính nổi chặng đường anh em chúng tôi đã đi. Riêng tôi đã đi tới mòn vẹt, phải thay một đôi vành xe Vĩnh Cửu (Trung Quốc) được mua cung cấp năm 1976. Ông Nguyễn Trọng Hữu - nguyên cán bộ Thư viện tỉnh, một nhân chứng lịch sử thời kỳ này đến nay vẫn giữ chiếc xe đạp còn đủ cả biển số đăng ký, đã từng rong ruổi hàng ngàn cây số đi xây dựng thư viện xã như một kỷ vật bất ly thân.

     Chính sách khoán 100, rồi khoán 10 ra đời, mô hình hợp tác xã thay đổi, nguồn quỹ phúc lợi của hợp tác xã dành cho hoạt động văn hóa - xã hội cạn kiệt dần. Đã có một số thư viện phải đóng cửa. Mạng lưới thư viện xã đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Chúng tôi đã từng kiến nghị lên cấp trên, nên ưu tiên cho thư viện xã nhận thêm khoảnh ruộng hoặc ao hồ để canh tác, chăn nuôi, lấy tiền bổ sung cho hoạt động thư viện. Nhưng, hình như việc sinh nhai quá cấp bách, đã thu hút tâm trí các nhà lãnh đạo nên ý kiến chúng tôi chỉ được thực hiện ở một vài nơi mang tính tự phát. Nhân lúc phong trào xây dựng Làng Văn hóa được phát động, chúng tôi đã nghĩ ngay tới việc chuyển đổi mô hình thư viện, miễn sao người dân vẫn có sách, có báo để đọc. Chúng tôi đi nhiều nơi để tìm hiểu tình hình và nghiên cứu mô hình. Tôi còn nhớ, anh Quyền - Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thắng (Nông Cống) đã dành hẳn một buổi trao đổi cặn kẽ cho chúng tôi về sự thật việc thu nhập hạt lúa, củ khoai vào bồ của người nông dân mỗi vụ ra sao sau khi đã nộp hơn 20 loại phí và các khoản đóng góp. Chúng tôi cùng anh trừ tất cả các khoản không thể không có, như chi cho ăn uống, hiếu hỉ, tết nhất, giỗ chạp, học hành, ốm đau, sửa chữa nhà cửa, sắm sanh vật dụng tối thiểu... Đáp số làm anh em chúng tôi giật mình, vì phần còn lại để có thể chi cho đời sống tinh thần “thượng tầng kiến trúc” trong mỗi gia đình nông dân chỉ còn tí tẹo. Thư viện làng là thiết chế văn hóa dân lập, nhân dân tự nguyện đóng góp để nuôi dưỡng. Một thư viện làng muốn duy trì đều đặn hoạt động, mỗi năm tối thiểu cần có 5-7 triệu đồng. Với tình hỉnh thực tế hiện nay, nói chung chúng ta chưa thể nuôi nổi 1 thư viện ở làng mà chỉ có thể nuôi được 1 phòng Báo với 10 - 12 loại thiết yếu nhất. Hơn nữa, lúc đó xét về giá trị thông tin và nội dung giáo dục thì báo chí hơn hẳn sách ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, chúng tôi quyết định chọn phòng đọc báo làng làm mô hình thay thế cho thư viện xã. Chúng tôi cũng khuyến khích làng nào có điều kiện thì nên có cả sách, không nhất thiết chỉ là báo và hoan nghênh việc duy trì những thư viện xã đã có nề nếp, đủ sức đứng vững để làm trung tâm luân chuyển sách báo tới các vệ tinh là các tủ sách, phòng đọc báo ở làng. Mô hình phòng đọc báo làng đã được khẳng định qua thực tế tồn tại và phát triển suốt hơn 10 năm qua. Được biết, hiện nay toàn tỉnh có 170 thư viện xã, hơn 3.900 tủ sách, phòng đọc báo làng đang hoạt động và phát huy tốt tác dụng. Qua chặng đường đầu, chúng tôi rút ra bài học: Phải biết chớp thời cơ, hành động quyết liệt nhưng tỉnh táo và linh hoạt, không duy ý chí trên cơ sở tiếp cận trực tiếp với cơ sở để xác định mô hình đọc sách, báo sao cho thích hợp nhất.

     2. “Mạch đời đập trên trang sách như mạch máu đập dưới làn da”:

     Tôi xin mượn lời của nhà văn hóa lớn nước Nga - Kalinin: “Mạch đời đập trên trang sách như mạch máu đập dưới làn da” để nói về những việc làm rất hiệu quả của thư viện Thanh Hóa 20 năm: 1975 - 1995.

     Trong suốt những năm tháng công tác ở Thư viện tỉnh, việc gắn chặt hoạt động thư viện vào các mục tiêu của địa phương là một nguyên tắc bất di bất dịch trong chỉ đạo của chúng tôi. Vì vậy, không thể có “nghệ thuật vị nghệ thuật” ở đây. Chương trình phát triển lương thực luôn là một trong những chương trình trọng yếu của tỉnh. Khi đó, khái niệm thông tin còn mới mẻ, nhưng do đòi hỏi của cuộc sống, Thư viện tỉnh đã làm công tác thông tin khoa học kỹ thuật (KHKT) phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng “làm theo kiểu Thanh Hóa”. Khi có dịch bệnh của cây trồng và vật nuôi, Thư viện tỉnh kịp thời biên soạn ngay các thư mục tóm tắt, nhiều khi cả thư mục toàn văn gồm các tài liệu phòng trừ sâu bệnh của lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm và gửi đến tận các thư viện cơ sở có nhu cầu. Các thư viện cơ sở chỉ cần đọc trên loa truyền thanh hoặc nhân bản gửi đến từng hộ sản xuất là bạn đọc có thể làm theo sách được ngay. Bác Hà Duyên Tuyển - thủ thư Thư viện xã Xuân Lai là một trong những người đi đầu sưu tập các bài báo về KHKT, khi có dịch bệnh, kịp thời đưa ra phục vụ bà con. Thông qua tài liệu, Thư viện xã Hoằng Anh đã đưa vụ Hè - Thu vào đồng ruộng của xã, nơi trước đây không có tập quán canh tác này. Vụ Đông đã trở thành vụ mới ở xã Đông Tân nhờ công tác tuyên truyền của thư viện xã và huyện Đông Sơn... Đặc biệt, Thư viện tỉnh đã “dũng cảm” đứng ra nhận phát hành Lịch Nông nghiệp tới nông dân toàn tỉnh - một việc mà chưa có thư viện nào trên cả nước làm cả. Tôi dùng từ “dũng cảm” không hề thiếu khiêm tốn chút nào. Những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, dám đứng ra ký độc quyền phân phối, phát hành hơn 30.000 bản lịch Nông nghiệp với cam kết: “được ăn, thua chịu” thì cũng thực là dũng cảm, là “liều” quá còn gì. Qua nghiên cứu, chúng tôi biết, với đồng ruộng xứ Thanh, vụ Chiêm là vụ ăn chắc, vụ Mùa phập phù vì hay bị bão lụt tàn phá. Nhưng muốn vụ Chiêm chắc thắng thì việc gieo cấy phải chính xác thời vụ, xen giữa những ngày thời tiết giá lạnh khắc nghiệt để xuống mạ. Muốn vậy, phải hướng dẫn cho bà con nông dân biết sử dụng lịch thời vụ. Tất cả điều đó đều được ghi trong lịch Nông nghiệp hàng năm do Ủy ban KHKT ấn hành. Nhưng, bộ lịch này thường in không sặc sỡ, không “bắt mắt” và hay ế do người dân chưa có thói quen cất công lên tận chợ huyện để mua về dùng. Muốn bán, phải đưa đến tận ngõ, tận nhà mà vận động. Nghiên cứu, biết rõ tác dụng và đặc điểm phát hành loại lịch này, chúng tôi ký hợp đồng “mua đứt bán đoạn” toàn bộ khối lượng lịch hàng năm của Ủy ban KHKT. Sau khi mua, chúng tôi mời một số nhà nông học giỏi hoặc người tinh thông sử dụng lịch Nông nghiệp tới hướng dẫn. Nhiều năm liền, chúng tôi mời anh Kiên - Chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Văn (Đông Sơn) ra hướng dẫn cách sử dụng nông lịch cho lớp tập huấn ngắn ngày về sử dụng lịch Nông nghiệp của cán bộ thư viện tỉnh, huyện và một số xã. Căn cứ số lượng xã, chúng tôi phân phối số lượng lịch cho từng thư viện huyện với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động bà con xã viên sản xuất giỏi mua và áp dụng Nông lịch vào sản xuất. Cán bộ thư viện tỉnh cũng được phân công giúp đỡ cho các thư viện huyện. Thật không ngờ, liên tục nhiều năm, chúng tôi đều bán hết lượng lịch đã ký kết. Anh chị em từ tỉnh đến huyện rất vui, vừa được ghi nhận thành tích phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa có điều kiện rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân đọc và làm theo sách báo, lại có hàng triệu đồng phát hành phí ăn Tết. Có năm, HĐND tỉnh đã biểu dương hệ thống thư viện công cộng tỉnh nhà đã có thành tích xuất sắc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phẩn làm nên vụ mùa bội thu.

     Bên cạnh việc phục vụ mũi nhọn sản xuất nông nghiệp, Thư viện tỉnh đã sáng tạo nhiều biện pháp để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tình cảm cách mạng trong nhân dân. Ngoài các cuộc thi viết thu hút hàng chục vạn người dự thi (bài thi để hàng gian nhà) hay các cuộc thi kể chuyện của thiếu niên, nhi đồng hàng năm, chúng tôi còn làm tốt vai trò một trung tâm thông tin diễn giả cực kỳ hiệu quả. Suốt những năm 1987 - 1994, nhân các ngày kỷ niệm lớn, Thư viện đã mời các báo cáo viên có uy tín cao ở Trung ương như: Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn, nhà văn Sơn Tùng, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Phạm Ngọc Cảnh, Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, nhà nghiên cứu Đặng Hòa, Hoàng Ngọc Hiến, Trương Thìn, nghệ sỹ sáo trúc Đinh Thìn,... về nói chuyện chuyên đề tại tỉnh. Mỗi đợt mời được diễn giả nổi tiếng như trên, Thư viện tỉnh đều thông báo cho các thư viện huyện biết, nếu đơn vị có nhu cầu thì đăng ký và chúng tôi xếp lịch nói chuyện. Tôi chưa thấy huyện nào từ chối, chỉ xin thêm buổi mà thôi. Vậy là, mỗi lần đón được một diễn giả về tỉnh, chúng tôi đều cố gắng khai thác tối đa thời gian diễn giả có thể ở lại tham gia thuyết trình nhiều điểm trong tỉnh. Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn đã đi nói chuyện về “70 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917 - 1987)'' ròng rã gần 1 tháng ở các huyện, kể cả huyện Quan Hóa giáp biên giới Việt - Lào. Đề tài “Những nội dung thuộc về phẩm chất đạo đức cách mạng của Bác” (Đặng Hòa) được giới thiệu đến mức kỷ lục, với hơn 60 điểm. Hơn 1.000 người ngồi chật kín cả nhà hát Lam Sơn trong suốt 1 ngày để nghe nhà văn Sơn Tùng trình bày về “Lai lịch Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới”. Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Minh đã tham dự suốt buổi nói chuyện hôm đó. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đi nói chuyện Thơ cho các đối tượng liền một mạch 34 buổi mà nhiều nơi vẫn còn yêu cầu thêm nữa... Để các đợt tuyên truyền rộng rãi và đạt kết quả cao như vậy, Thư viện tỉnh đã vượt qua biết bao khó khăn, vất vả. Chương trình phải sắp xếp chính xác, xe đưa diễn giả đi từ nơi này sang nơi khác phải đảm bảo thời gian, không để khán giả chờ đợi. Nhiều ngày, diễn giả phải ngủ trưa ngay trên xe cho kịp giờ nói chuyện. Khi ấy chưa có điện thoại di động như ngày nay, anh Hoàng Văn Tinh - Phó Giám đốc đưa diễn giả đi, còn Giám đốc phải ở nhà để điều hành bằng điện thoại bàn, giống như chỉ huy chiến dịch quân sự. Tuy bận rộn, vất vả nhưng qua những việc làm ấy, vị trí, vai trò Thư viện tỉnh và huyện được nâng cao rất nhiều. Sau này, cứ vào các ngày lễ lớn, các huyện lại gửi công văn rất sớm, xin đăng ký trước các cuộc nói chuyện diễn giả. Thế mới biết tuyên truyền miệng có sức mạnh đến nhường nào! Để thêm phần hấp dẫn, đôi khi chúng tôi vận dụng cả sân khấu hóa vào các cuộc nói chuyện, ví dụ, mời nghệ sỹ Văn Tân hóa trang Bác Hồ, bất ngờ xuất hiện, tay cầm mũ vẫy chào nhân dân trong buổi nói về những kỷ niệm với Bác, hoặc các nghệ sỹ ngâm thơ xen kẽ người bình thơ cho thêm phần sinh động...

     Việc chọn hình thức hoạt động cho phù hợp với điều kiện, thời gian luôn được chúng tôi cân nhắc kỹ càng. Thông thường, các hoạt động vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2 là khó khăn nhất. Vì, đó là thời gian giáp Tết âm lịch, khó tập hợp lực lượng tham gia, tâm lý người tham dự lúc này không thích ngồi lâu, lại là đầu năm dương lịch nên kinh phí của cơ quan có nhiều khó khăn... Biết những đặc điểm đó, năm 1992, Thanh Hóa là thư viện đầu tiên trong cả nước đã tìm ra hình thức hoạt động phù hợp, đó là triển lãm Báo Xuân. Hình thức này đã thu hút đông đảo bạn đọc và cả các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tham gia. Sau này khi ra đảm nhận nhiệm vụ Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT), từ năm 1997, tôi đã lấy thực tế từ thư viện Thanh Hóa để nhân rộng mô hình Triển lãm báo Xuân ra cả nước, trở thành Ngày hội mừng Đảng, mừng Xuân của nhiều địa phương những khi Tết đến, xuân về. Thư viện Thanh Hoá, Hải Dương đã kết hợp cả nghệ thuật thư họa, cho chữ ngày xuân cùng với triển lãm báo xuân, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự. Các thư viện Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh đã sáng tạo, tổ chức triển lãm báo xuân lưu động tới các thư viện huyện ở vùng sâu, vùng xa, phục vụ đồng bào. Đến nay, triển lãm sách báo mừng Đảng, mừng Xuân đã trở thành nề nếp không thể thiếu ở các thư viện tỉnh. Trước nhu cầu của bạn đọc, chúng tôi đã “xé rào” tổ chức triển lãm cả tranh tượng, tác phẩm nhiếp ảnh, thơ, họa... Để các đơn vị khác không trách cứ lộn sân, đan xen trong triển lãm, chúng tôi thường tổ chức các buổi giới thiệu sách về các lĩnh vực triển lãm, như Nghệ thuật chụp ảnh, Ngôn ngữ tranh tượng...

     3. “Khoán 10” trong hoạt động Thư viện:

    Thông tư 97 liên Bộ Tài chính - Văn hóa Thông tin về cấp tài chính cho các thư viện có thể coi như chính sách khoán 10 trong công tác thư viện. Thông tư đã cứu nguy kịp thời cho mạng lưới thư viện tỉnh, huyện cả nước. Thanh Hóa cũng nhờ có Thông tư này mà cất cánh trong cơ chế thị trường khi đó. Nhưng có một điều riêng xin được chia sẻ là... chúng tôi đã tiếp nhận và vận dụng Thông tư 97 như thế nào?

     Trước năm 1975, mạng lưới thư viện huyện, thị Thanh Hóa chịu sự quản lý tập trung của Thư viện tỉnh. Cuối những năm 70, để thích ứng với cơ chế bao cấp, Thư viện tỉnh đã mạnh dạn đề nghị và được Sở Tài chính nhất trí chuyển giao trách nhiệm cung ứng sách báo cho các thư viện huyện về địa phương. Khi ấy, đây là một giải pháp hữu hiệu để các thư viện huyện có thể tranh thủ sự ủng hộ của huyện cho thư viện phát triển nhanh và hỗ trợ mạng lưới thư viện xã đang trong thời kỳ nở rộ. Bước vào cơ chế mới, với chủ trương “thu lấy mà chi”, ngân sách huyện quá nghèo nàn, không đủ kinh phí để cấp cho các thư viện bổ sung sách báo mới. Tuy vẫn mở cửa nhưng hầu hết các thư viện đều “vắng như chùa Bà Đanh”.

     Đúng thời điểm đó thì Thông tư 97 liên Bộ Tài chính - Văn hóa ra đời. Chúng tôi đã vận động được đồng chí Trần Văn Ngọc - Trưởng phòng Hành chính - Văn xã của Sở Tài chính cùng đi tiếp thu Thông tư 97 tại Hội nghị Trung ương. Sau hội nghị, chúng tôi đề xuất với Sở Tài chính phương án thực hiện Thông tư bằng việc cho mạng lưới thư viện công cộng được trở lại cơ chế cũ, quản lý tập trung ngân sách bổ sung sách báo mới. Có như vậy, mới đảm bảo cho tất cả các thư viện huyện, thị có sách báo mới để phục vụ bạn đọc. Để đi đến sự nhất trí chung, chúng tôi được sở Tài chính cho thí điểm tập trung ngân sách bổ sung sách báo của 8 thư viện miền núi về Thư viện tỉnh. Sau 1 năm thực hiện, chúng tôi tổ chức hội nghị sơ kết có sự tham gia của lãnh đạo Sở Tài chính. Tại hội nghị, mọi người đều nhận thấy hiệu quả của cơ chế thí điểm tập trung bổ sung sách báo, phong trào đọc của nhân dân các huyện miền núi được tăng lên mạnh mẽ. Từ thực tế đó, Sở Tài chính đã nhất trí giao cho Thư viện tỉnh trách nhiệm bổ sung tập trung sách báo mới cho tất cả 27 thư viện huyện, thị. Nhờ đó, mạng lưới thư viện huyện đã đứng vững và phát triển trong suốt những năm qua.

     Tuy nhiên, để có cơ sở cho việc cấp phát ngân sách bổ sung sách báo, chúng tôi đã gấp rút hoàn thành việc xếp hạng các thư viện theo Thông tư liên Bộ Lao động - Văn hóa. Vì tỉnh có nhiều thư viện huyện, nên chúng tôi đề xuất và được Ban Tổ chức UBND tỉnh nhất trí giao cho sở Văn hóa trực tiếp chỉ đạo việc xếp hạng các thư viện trong tỉnh. Với cách làm này, chỉ trong 1 tháng, chúng tôi đã xếp hạng cho toàn bộ 27 thư viện huyện, thị, làm cơ sỏ cho việc thực hiện cơ chế tập trung trong bổ sung sách báo mới mà 2 Sở Tài chính và sở Văn hóa - Thông tin đã nhất trí.

     4. “Cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”:

     Suốt 20 năm, từ 1975 đến 1995, Thư viện tỉnh luôn là đơn vị ổn định về tổ chức, mạnh về chuyên môn, vững vàng về nhận thức chính trị, tươi trẻ về nếp sống văn hóa. Trong tất cả các đợt thi đua của Sở, của ngành thư viện toàn quốc, Thư viện Thanh Hóa luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu. Có đồng chí lãnh đạo đơn vị bạn nói vui với chúng tôi: “Thư viện tỉnh các ông không tuần chay nào không có nước mắt”. Đơn vị vui vẻ, đoàn kết, thân ái. Ban giám đốc chưa hề phải cáu gắt, mắng nhiếc nhân viên một lần nào. Mỗi khi có dịp về hội nghị, anh em thư viện huyện và cơ sở quây quần với anh chị em thư viện tỉnh như về với ngôi nhà chung của mình. Tại thư viện trung tâm, nhiều khi có công tác đột xuất, phải làm cả ngày nghỉ, cả đêm, anh em rất mệt nhưng vẫn cố gắng thực hiện. Những lúc ấy, có anh chị em đã nói: “Nể anh và vì danh dự của Thư viện tỉnh nên chúng tôi đã cố gắng làm thật tốt!”. Tôi thật sự sung sướng được anh em “nể”, được anh em “thương” chứ không vì “sợ” như người khác. Điều gì đã tạo nên sức mạnh cho đơn vị vượt qua hết gian nan này tới khó khăn khác để đi lên? Chính là đội ngũ cán bộ của đơn vị trước hết từ cán bộ lãnh đạo cơ quan đến các bộ phận đã thực sự gương mẫu, hết lòng vì đơn vị. Nhưng để có được một đội ngũ cán bộ như vậy thật không đơn giản. Ngay từ những năm 1980, song song với công việc, chúng tôi đã tính tới chuyện phải chăm lo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho anh chị em. Thư viện tỉnh đã trực tiếp liên hệ, thuyết phục trường Đại học Văn hóa Hà Nội đồng ý giúp đỡ địa phương trong việc nâng cao trình độ cho cán bộ thư viện. Năm 1984 - 1987, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trên cả nước đăng cai tổ chức lớp Đại học Tại chức Thư viện. Sau nhiều khóa đại học tại chức thư viện được tiến hành tại trường VHNT tỉnh nhà, hầu hết cán bộ thư viện tỉnh và huyện đã được phổ cập trình độ đại học, tầm nhìn, nếp nghĩ và năng lực làm việc được nâng cao. Với phương châm “lửa thử vàng”, chúng tôi đã mạnh dạn đưa anh chị em tham gia làm và rèn luyện trong tất cả các hoạt động, cả trí óc và chân tay, cả tại trung tâm và cơ sở, không có trường hợp ngoại lệ. Thông qua các hoạt động chuyên môn và đoàn thể, nhiều đoàn viên ưu tú đã được kết nạp vào Đảng, đơn vị tiến tới thành lập 1 Chi bộ trực thuộc. Chúng tôi phân công các phòng chuyên môn theo dõi, giúp đỡ một số thư viện huyện để buộc mọi người đều phải gắn mình với cơ sở. Đơn vị đông nữ, với cách này, chị em tự thu xếp gia đình, luân phiên nhau để vừa hoàn thành nhiệm vụ ở trung tâm, vừa góp phần giúp đỡ các huyện rất hiệu quả. Đến nay, tôi vẫn thường nói với anh em đồng nghiệp ở trung ương rất thực lòng rằng, khi nào thấy công việc thư viện buồn tẻ và chán ngán thì bạn hãy về với cơ sở ít ngày, bạn sẽ yêu nghề hơn bao giờ hết. Chúng tôi nghĩ, không thể bắt anh em yêu nghề, mà hãy làm cho họ tìm thấy niềm vui trong công tác và từ đó, dần dà tình yêu với nghề sẽ tự đến với họ. Thư viện Thanh Hóa đã hình thành một nhóm (Thế Khang, Văn Bài, Quốc Hương) sẵn sàng đi làm diễn giả, báo cáo viên, giảng dạy ở huyện, ngành và các trường trong tỉnh khi có yêu cầu. Anh chị em có công trình nghiên cứu (Bùi Xuân Vỹ, Đào Phụng), các cây viết báo và tạp chí: Trọng Hữu, Trần Lâm, Thanh Hảo... được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh của mình... Trong chỉ đạo mạng lưới thư viện, hàng năm chúng tôi liên tục tổ chức các đợt thi đua. Phong trào thi đua đã thực sự trở thành động lực giúp cho các thư viện bứt phá vươn lên mạnh mẽ. Cảm ơn Bộ Văn hóa - Thông tin hồi ấy đã kịp thời cổ vũ các phong trào thi đua, dành nhiều Bằng khen của Bộ tặng cho các cá nhân và thư viện tiên tiến xuất sắc. UBND các huyện và xã đánh giá rất cao phong trào thi đua của thư viện. Thư viện tỉnh và Thư viện xã Xuân Lai (Thọ Xuân), Nga Thủy (Nga Sơn) đã được HĐBT (Chính phủ) tặng Bằng khen. Tiếc là những năm sau, công việc này không được tiếp tục nên đến nay ngoại trừ thư viện tỉnh, chúng ta chưa có thư viện huyện hoặc cơ sở nào được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động. Chúng tôi có quan điểm rõ ràng và thống nhất trong đơn vị, mỗi anh chị em huyện, cơ sở về tỉnh, Thư viện tỉnh phải dành cho họ sự chăm sóc tốt nhất. Đây cũng là bài học chắc không bao giờ cũ. Anh chị em ở cơ sở đã chịu đựng nhiều vất vả, khó khăn, một sự động viên dù rất nhỏ của Thư viện tỉnh cũng sẽ làm anh em cảm thấy ấm lòng hơn, gắn bó và yêu nghề hơn. Đầu những năm 1990, khi làm ăn có phần khấm khá một chút, Thư viện tỉnh đã tổ chức cho anh chị em thư viện huyện, thị và xã cùng đi tham quan. Năm thì hành hương về quê Bác (Nam Đàn - Nghệ An), năm thì đi xa hơn, vào viếng thăm cố đô Huế, năm lại ngược ra Bắc trảy hội chùa Hương..., còn tắm biển Sầm Sơn thì hầu như năm nào cũng có từ một lần trở lên. Chuyến đi ít nhất cũng gần 50 người mà nhiều nhất là tới 3 xe ca, hơn 80 người. Có mệt một chút trong công tác tổ chức nhưng ai nấy đều rất vui và tuy không nói ra nhưng mọi người đều thầm nghĩ, trở về, sẽ cố gắng công tác tốt hơn để năm sau lại được khen thưởng, được gặp nhau ở những danh lam, thắng cảnh mới.

     Để mở rộng tầm mắt, giao lưu học hỏi, chúng tôi đã đề xuất Thư viện các tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình, Trị, Thiên tổ chức kết nghĩa, thành lập Liên hiệp Thư viện các tỉnh Bắc miền Trung. Năm 1993, Thanh Hóa vinh dự được đăng cai Đại hội thành lập của Liên hiệp. Từ đó đến nay, Liên hiệp duy trì hoạt động thường xuyên, sáng tạo rất nhiều nội dung và hình thức sinh động, hấp dẫn và hiệu quả. Có Liên hiệp, hàng năm, chúng tôi được tới thăm các thư viện bạn, các địa danh mới và đón đông đảo bạn bè xa gần tới chung vui, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, giao lưu lời ca tiếng hát làm sống động hơn công việc vốn trầm lặng này.

     Sau này, được công tác ở thư viện đầu ngành, tôi may mắn được đi khắp các tỉnh trong nước, được chứng kiến rất nhiều việc làm, cách làm năng động, sáng tạo của thư viện các địa phương. Có nhiều bài học mới, nhưng cũng có không ít những suy nghĩ, những việc mà Thư viện Thanh Hóa đã từng nêu, đã từng làm. Các thế hệ cán bộ thư viện tỉnh Thanh có quyền tự hào về những gì chúng ta đã làm trong những năm tháng qua. Những việc làm, cách làm sáng tạo được nêu trên đã đóng góp cho ngành thư viện cả nước những bài học không nhỏ. Đấy chính là những dấu ấn không bao giờ phai trong ký ức của mỗi cán bộ thư viện xứ Thanh. Thư viện Thanh Hóa đã có một thời như thế trong giai đoạn khó khăn nhất của sự nghiệp Thư viện Việt Nam - thời kỳ “chuyển dạ” từ kinh tế thời chiến sang thời bình, từ bao cấp sang cơ chế thị trường của đất nước (1975 - 1995).

     Tất cả những nỗ lực của anh chị em Thư viện đã được đền đáp xứng đáng. Thư viện Thanh Hóa đã được Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành ghi nhận, tin tưởng và dành cho sự quan tâm ngày càng lớn. Năm 1991, Thư viện tỉnh được đầu tư xây dựng cao tầng. Đến nay, chúng tôi được biết, UBND tỉnh vừa có quyết định đầu tư mở rộng và xây dựng mới Thư viện tỉnh lớn hơn trước nhiều lần. Thật là một tin vui, một tín hiệu đáng mừng cho Thanh Hóa - một tỉnh lớn, có truyền thống hiếu học từ ngàn xưa. Bài học còn nguyên giá trị được rút ra từ những ngày gian khó trước đây đã được các cán bộ Thư viện Thanh Hóa phát huy rất hiệu quả: Hãy cố gắng chịu đựng khó khăn, không kêu ca phàn nàn, bằng nhiều việc làm tốt, có hiệu quả thiết thực, tuyên truyền rộng rãi, tranh thủ niềm tin và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp.

     Đôi lời xin gửi quê hương:

     Tháng 5/1996, sau 24 năm làm việc ở Thanh Hóa, tôi được Bộ Văn hóa - Thông tin điều động ra công tác ở Vụ Thư viện, rồi Thư viện Quốc gia Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu tháng 10/2009, tôi tiếp tục gắn bó với công việc thư viện trên cương vị mới: Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam. Hai mươi năm qua ở vị trí mới, tôi đã nỗ lực phấn đấu, không phụ công lao rèn luyện, chăm sóc của cán bộ, nhân dân và đồng nghiệp xứ Thanh. Trên cương vị mới, tôi đã cố gắng tạo điều kiện để hỗ trợ cho thư viện quê nhà. Ngoài chăm lo nguồn sách tài trợ hàng năm theo Chương trình mục tiêu quốc gia cho hầu hết các thư viện huyện, tôi đã đề xuất và được Bộ VH- TT nhất trí đầu tư xây dựng trụ sở thư viện huyện Mường Lát, đầu tư hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin và phần mềm thương mại ILIP cho thư viện tỉnh...

     Ở thư viện Thanh Hóa cũng như Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia, tôi luôn góp sức mình xây dựng cơ quan trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu xuất sắc của Bộ, được nhận nhiều phần thưởng cao quý. Tôi đã được anh chị em quí mến, bầu là Chiến sỹ Thi đua toàn quốc, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhất, Huân chương Văn học - Nghệ thuật của Bộ Văn hóa Pháp và nhiều Bằng khen của Chính phủ, của Bộ VHTT. Xin các bạn đồng nghiệp hãy coi những phần thưởng cao quí này là sự tri ân lớn nhất của tôi đối với quê hương yêu dấu, nơi đã cưu mang, chăm sóc và giúp đỡ cho tôi trưởng thành!

Thư viện số Tra cứu sách

KẾT NỐI WEBSITE

Bộ VHTTDL Sở văn hóa thể thao và du lịch thanh hóa Thư viện quốc gia việt nam

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

LƯỢT TRUY CẬP