THƯ VIỆN THANH HÓA 30 NĂM ĐỔI MỚI
TS. Hoàng Minh Tường
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
30 năm đổi mới của đất nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các Cấp ủy Đảng, Chính quyền và các ban, ngành trong tỉnh; được sự chỉ đạo của Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam cùng với sự mạnh dạn đổi mới, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Thư viện từ tỉnh đến cơ sở, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã khắc phục khó khăn trong quá trình chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang thị trường, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng. Thông qua sách báo và Thư viện điện tử, Thư viện tỉnh đã cung cấp thông tin và tri thức đến với độc giả, phát triển sự nghiệp Thư viện, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, hòa nhập trong công cuộc đổi mới, khẳng định vai trò và vị thế của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quê hương, được Vụ thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đánh giá cao.
Đổi mới là quá trình đổi mới tư duy và cách hoạt động Thư viện để sách báo, thông tin đến với độc giả kịp thời, tạo ra bước đột phá thúc đẩy sự phát triển về nhận thức, về kinh tế - xã hội. Chính nhận thức được điều đó, nhiều năm qua và đặc biệt là những thập niên gần đây, Thư viện tỉnh đã có bước phát triển mới cả về chất và lượng, trở thành điểm sáng của hệ thống Thư viện 63 tỉnh thành về hiệu quả hoạt động, quy mô và số lượng bạn đọc.
Với vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện, hướng dẫn chuyên ngành về nghiệp vụ Thư viện, qua 30 năm đổi mới, đến nay, Thư viện tỉnh đã giúp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng được mạng lưới Thư viện công cộng rộng khắp trên địa bàn tỉnh bao gồm: 27 Thư viện huyện, thị, thành phố; gần 3.000 thư viện, tủ sách, phòng đọc sách ở cơ sở; 637 tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; trên 500 phòng đọc sách trong các điểm Bưu điện văn hoá xã, nhiều phòng đọc, tủ sách đồn biên phòng... Bên cạnh hệ thống thư viện ở tỉnh, huyện, xã, phường và cơ sở, hệ thống thư viện nhà trường (thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo) với hàng nghìn thư viện hoạt động trong trường phổ thông các cấp, 4 thư viện có quy mô lớn tại các trường Đại học và hàng trăm thư viện thuộc các trường Cao đẳng, Trung học dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Thanh Hoá có trên 100 thư viện phục vụ công nhân, người lao động. Điển hình là các thư viện Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Thuốc lá Thanh Hóa, Công ty Mía đường Lam Sơn, Nhà nghỉ Liên đoàn lao động tỉnh, Xí nghiệp gạch ngói Vĩnh Hoà, Công ty xây dựng và xây lắp điện, Công ty Dược Thanh Hoá, Bệnh viện huyện Như Xuân,... hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Thư viện Thanh Hóa là một trong số những thư viện tỉnh sớm được xây dựng, trải qua thời gian đã xuống cấp và quá chật chội, năm 2012, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã được xây mới và mở rộng trên tổng diện tích gần 11.000m2, vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng, hiện đại và khang trang, tương xứng với vị trí là thư viện trung tâm của cả tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Thư viện có kiến trúc hiện đại gồm: 1 tòa nhà 7 tầng và 1 khối nhà cao 4 tầng. Tầng một sẽ trở thành không gian tổ chức các hoạt động văn hóa và sách báo thư viện công cộng như triển lãm sách báo, lễ hội sách báo và các hoạt động văn hóa khác. Các tầng còn lại sẽ dành cho phòng đọc báo - tạp chí-báo điện tử, phòng mượn sách, phòng đọc ngoại văn, phòng hội thảo khoa học, phòng tra cứu tài liệu quý hiếm phục vụ nghiên cứu khoa học, phòng đọc microphim, phòng phục chế, bảo quản sách báo cùng các phòng chức năng nghiệp vụ thư viện, phòng kho... Thư viện có 06 phòng chức năng đảm bảo cho hoạt động tại trung tâm và chỉ đạo hệ thống thư viện cơ sở. Ngoài các phòng đọc sách báo, tra cứu, phòng mượn, đọc sách báo và khai thác thông tin qua mạng máy tính còn có phòng đọc dành riêng cho người khiếm thị, người khuyết tật với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, nâng cao khả năng lưu trữ, bảo quản và cập nhật các tài liệu về văn hóa, khoa học, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn. Hiện tại, thư viện tỉnh Thanh Hóa có 410.000 bản sách, trong đó có 25.000 bản sách địa chí, 180 tập báo - tạp chí với hàng triệu bản gồm nhiều loại hình ngôn ngữ như Việt văn, Pháp Văn, Anh văn, Nga văn và tài liệu Hán Nôm đáp ứng nhu cầu của 4.390 bạn đọc thường xuyên và có thẻ. Đặc biệt, thư viện còn lưu giữ hàng ngàn tư liệu quý hiếm về lịch sử văn hóa, quê hương và con người xứ Thanh trong tiến trình lịch sử dân tộc.Trong thời gian tới, thư viện tỉnh đảm bảo có 650.000 bản sách, đáp ứng yêu cầu phục vụ 10.500 bạn đọc thường xuyên.
30 năm đổi mới, đi lên của Thư viện tỉnh Thanh Hóa đều gắn liền với sự đổi mới và phát triển của đất nước và tỉnh Thanh. Bằng hiệu quả phục vụ xã hội, công tác thư viện ngày càng được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm. Hoạt động Thư viện không chỉ dừng lại ở cơ sở vật chất khang trang, số bản sách đáp ứng được yêu cầu của độc giả, phương tiện hiện đại mà cần coi trọng công tác cán bộ để làm việc hiệu quả. Do nhận thức được vấn đề then chốt này mà công tác cán bộ của Thư viện tỉnh rất được coi trọng. Những năm đầu đổi mới, cán bộ Thư viện tỉnh mới chỉ có 18 - 20 người, trình độ phần lớn là trung cấp, sơ cấp và một số ít là đại học, đến nay Thư viện tỉnh đã có đội ngũ cán bộ 44 người, được đào tạo cơ bản ở nhiều cấp độ khác nhau: Thạc sĩ, cử nhân, trung cấp. Đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện có trình độ chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm công tác, có lòng nhiệt tình yêu nghề và làm việc có hiệu quả.
30 năm qua, thông qua hoạt động, Thư viện tỉnh đã được xã hội thừa nhận và khẳng định. Thư viện tỉnh đã tổ chức phục vụ rộng rãi các đối tượng, bám sát nhu cầu thông tin, học tập, công tác và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của đất nước và của địa phương. Thư viện tỉnh xác định việc mở rộng đối tượng phục vụ bạn đọc là một trong những nhiệm vụ trung tâm. Hiện nay, ngoài các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban ngành cấp tỉnh và huyện, các nhà nghiên cứu, cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, Thư viện tỉnh đã tiếp nhận phục vụ sinh viên các trường Đại học Hồng Đức; Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh... tới đọc và mượn sách báo. Hàng năm, đã cấp thẻ cho hơn 4.390 bạn đọc và phục vụ hàng chục ngàn lượt tài liệu, số lần luân chuyển sách, tài liệu phục vụ bạn đọc là học sinh phổ thông trung học ở các địa phương trong tỉnh mang lại hiệu quả cao. Nhiều đề tài khoa học, nhiều luận án Tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, đại học và khóa luận đã được Thư viện tỉnh phục vụ và đạt kết quả cao. Thư viện tỉnh cũng là nơi ươm mầm và góp phần cung cấp tri thức và bồi dưỡng nhiều học sinh của tỉnh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế.
Đổi mới hoạt động thư viện gắn liền với đầu tư và sử dụng các công nghệ hiện đại để phục vụ bạn đọc. Đến nay, Thư viện tỉnh triển khai đồng bộ hiện đại hoá phương thức hoạt động gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 1992, thông qua chương trình hiện đại hoá thư viện cấp tỉnh do Bộ Văn hóa Thông tin chủ trì, Thư viện tỉnh được đầu tư 02 máy tính. Đến nay, Thư viện Thanh Hóa đã trang bị khá hoàn chỉnh hệ thống máy tính để phục vụ bạn đọc, thực hiện điện tử hoá thư viện, nhiều phòng đọc, tra cứu đa phương tiện phục vụ độc giả. Xây dựng Thư viện tỉnh thành thư viện hiện đại, nâng cao khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, đảm bảo khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên điện tử, Thư viện tỉnh đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, góp phần bảo quản tốt vốn tài liệu phong phú, quí hiếm và đáp ứng tốt nhất yêu cầu của bạn đọc. Cùng với đó, hệ thống thư viện huyện và cơ sở cũng được Thư viện tỉnh thông qua các nguồn tài trợ, trang bị máy tính cho thư viện 27 huyện, thị, các xã và tới tận các điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ bạn đọc và khai thác thông tin trên mạng internet; giúp các thư viện huyện, thị, thành phố triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa tài liệu. Phát triển thư viện theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu đọc và cung cấp thông tin của mọi người dân, từng bước thực hiện hiện đại hoá hoạt động thư viện, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang được Thư viện tỉnh thực hiện có hiệu quả.
30 năm qua, Thư viện tỉnh thông qua nguồn sách, báo, tư liệu được bổ sung kịp thời và cập nhật đã góp phần tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quê hương. Thư viện tỉnh đã góp phần đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ các cấp trong tình hình mới; đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển; nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững; phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội bền vững; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái...
Để phục vụ sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, quê hương, Thư viện tỉnh đã chú trọng và quan tâm việc đọc, học và làm theo sách báo của các thư viện trong khối CNVC-NLĐ và thông qua hoạt động của thư viện công cộng phục vụ nhu cầu đọc của công nhân đã góp phần nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị ở mỗi người, góp phần hình thành và phát triển các khu công nghiệp Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Lễ Môn, Lam Sơn - Sao Vàng... tạo nên động lực phát triển và tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá của công nhân, góp phần xây dựng môi trường sống trong sạch lành mạnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Nhằm tiếp tục củng cố và không ngừng đáp ứng nhu cầu đọc trong khối công nhân viên chức trong thời đại bùng nổ thông tin với đa phương tiện, đa phương thức truyền thông, cung cấp thông tin, văn hoá đọc là một hoạt động không thể thiếu và không bao giờ lạc hậu đối với độc giả nói chung và tầng lớp công nhân nói riêng, bởi vậy, bên cạnh việc tiếp nhận những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, của những phương tiện và vật đưa tin có hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao, trong thời gian tới Thư viện tỉnh cần tiếp tục củng cố, phát triển và nhân rộng những mô hình thư viện công nhân hoạt động tốt để thúc đẩy hệ thống thư viện trong công nhân không ngừng phát triển toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của người đọc. Trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện của từng công ty, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, nối mạng internet trong hệ thống thư viện công cộng để cung cấp thêm những thông tin và nhu cầu hưởng thụ văn hoá cho công nhân, thông qua đó giúp cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động những thông tin bổ ích, những di sản văn hoá quý giá của nhân loại, dân tộc và thời đại để không ngừng đáp ứng về nhu cầu tìm hiểu kiến thức, giải trí, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sáng tạo và làm ra các sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quê hương.
Với lĩnh vực nông nghiệp, Thư viện tỉnh đã làm giàu vốn sách báo về chuyển giao kĩ thuật và công nghệ, sách nâng cao hiểu biết thường thức về khoa học kỹ thuật và những ấn phẩm văn hóa khác liên quan đến nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa bản địa, gắn với hình thành nhân cách con người mới ở nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa.Thư viện tỉnh bổ sung kịp thời, xây dựng vốn sách báo, tài liệu khá đầy đủ cho chuyên mục này và thông tin kịp thời, thiết thực cho người nông dân như phổ biến kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tin tức thời sự, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp, bản tin cảnh báo thiên tai, dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ, y tế, cộng đồng; những chính sách, văn bản hướng dẫn của Đảng, Nhà nước phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam... Thư viện tỉnh, những năm qua đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong việc tổ chức đưa sách, báo, phổ cập tri thức nông nghiệp phục vụ nông dân, ngư dân với nhiều hình thức: Đọc tại chỗ, đưa sách luân chuyển về cơ sở, biên soạn các bản thư mục chuyên đề, phục vụ thông tin theo chế độ hỏi, đáp... Hàng năm, Thư viện tỉnh bổ sung vốn sách, xây dựng Quỹ sách luân chuyển và lưu động và quỹ sách tài trợ của địa phương. Chú trọng bổ sung các loại sách kỹ thuật nông - lâm - ngư nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, về tình hình xuất - nhập - khẩu nông sản, thủy hải sản... phổ biến những kiến thức tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến nông sản, thủy hải sản, những kinh nghiệm, điển hình tiên tiến trong nông nghiệp... phù hợp với đặc điểm kinh tế của địa phương. Giới thiệu các giống cây trồng vật nuôi năng suất cao, nuôi trồng thực phẩm sạch phục vụ tiêu dùng cao cấp và xuất khẩu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng từ sản xuất nông nghiệp, làm giàu từ đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, chọn cây con thích hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu, thường thức về nước sạch và điện an toàn ở nông thôn, thuần phong mỹ tục ở nông thôn... Đặc biệt, thông qua thư viện, người dân nông thôn biết vận dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến từ sách, báo vào thực tiễn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đi vào cuộc sống. Thông qua Thư viện nhiều hộ nông dân biết vượt khó làm giàu đã trở thành nhà “Nông dân sản xuất giỏi”. Hoạt động thư viện cũng tạo điều kiện cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến. Đời sống tinh thần của nhân dân ổn định và từng bước phát triển. Thông qua các thư viện cơ sở, Thư viện tỉnh đã tích cực cung cấp sách, báo, thông tin cho nông dân giúp họ áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần, “xóa đói giảm nghèo”, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình.
Với công tác Địa chí, Thư viện tỉnh đã cung cấp vốn văn hóa, tiềm năng văn hóa nghệ thuật, kinh tế - xã hội của địa phương thông qua những tập hợp tài liệu địa chí phong phú và đa dạng; diễn trình phát triển, sự vận động lịch sử, đời sống người dân địa phương trên nhiều lĩnh vực khác nhau bằng vốn tài liệu địa chí mà thư viện lưu giữ được là nguồn tài liệu chân thật, quý giá để giúp cho cơ quan nghiên cứu, những nhà sưu tầm, những người cần tìm hiểu về địa phương và ngoài nước có được những nguồn sử liệu, những tri thức và hiểu biết đáng tin cậy trong những công việc cụ thể của mình. Từ khai thác nguồn tài liệu địa chí, Thư viện tỉnh mở đầu cho việc khai thác, sưu tầm, nghiên cứu về địa phương, tạo đà để phát huy thành quả của công tác địa chí, áp dụng vào thực tiễn đời sống của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa. Từ công tác địa chí, Thư viện tỉnh tác động vào nhận thức của lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và nhân dân về tầm quan trọng của công tác này, giáo dục tư tưởng nhận thức, tình cảm của nhân dân đối với quê hương, đất nước qua di sản văn hóa do tiền nhân để lại thể hiện qua nguồn tài liệu địa chí trong đời sống xã hội và đời sống văn hóa địa phương, đặc biệt trong thời kỳ CNH - HĐHđất nước.
Thời đại ngày nay là “thời đại thông tin”, “xã hội thông tin”, Thư viện tỉnh đã làm tốt vai trò là trung tâm hướng dẫn, tổ chức các hoạt động đưa sách báo về cơ sở, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng con người; là trung tâm kiến tạo mạng lưới thư viện, phòng đọc sách thư viện rộng khắp, được tổ chức quy củ và thống nhất. Tạo điều kiện để người dân vùng nông thôn hiểu rõ hơn chương trình phát triển nông thôn gắn với xây dựng phong trào đọc sách, báo hiệu quả. Thư viện tỉnh không chỉ hoạt động mang tính chất phục vụ, bổ sung tài liệu, xử lý kỹ thuật mà còn tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện huyện, thị, thành phố; hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống thư viện cơ sở; biên soạn và phát hành Thông tin thư mục địa chí và thư mục chuyên đề, hoạt động thiết thực cho phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”.
30 năm qua, Thư viện tỉnh bảo đảm đáp ứng sách báo mới, phù hợp với trình độ dân trí, đáp ứng nhu cầu và hứng thú đọc sách báo của cán bộ và đồng bào các dân tộc Thanh Hóa, tạo cho nhân dân có thói quen đọc sách báo, đáp ứng yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH đất nước, quê hương. Thư viện tỉnh đã khẳng định vai trò là trung tâm hướng dẫn, tổ chức các hoạt động đưa sách báo về cơ sở, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Những kết quả của cán bộ Thư viện tỉnh đạt được trong 30 năm đổi mới rất đáng ghi nhận, phát triển văn hóa đọc, cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần cho độc giả góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, với Thư viện đã có bề dày 60 năm xây dựng và trưởng thành, phát huy những thành tích đạt được, CBVC-NLĐ Thư viện tỉnh cần phải tiếp tục và đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ nhằm phát triển toàn diện và vững chắc. Trước hết, cần đổi mới về công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ những người làm công tác thư viện đủ về số lượng, vững vàng về chính trị, thông thạo chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, quê hương. Nâng cao trách nhiệm vị thế là thư viện trung tâm của tỉnh và thực hiện số hóa trong hoạt động thư viện. Không được phép tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm được, cần giao lưu, học hỏi bè bạn. Cần đào tạo cán bộ có chuyên môn cao để hội nhập, chia sẻ thông tin với hệ thống thư viện trong nước, khu vực và quốc tế. Tập trung hiện đại hoá thư viện có đủ năng lực tương xứng với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại đã được xây dựng và đầu tư. Chăm lo xây dựng mạng lưới thư viện huyện và cơ sở, phát triển văn hóa đọc ở mọi vùng miền trên địa bàn tỉnh, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt những vấn đề nêu trên, Thư viện tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp CNH - HĐH, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến, kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng căn dặn.
Tin khác