Banner top Thư viện tỉnh Thanh hoá
  • Loading...

XÂY DỰNG NGUỒN NHÂN LỰC THƯ VIỆN TỈNH THANH HÓA

TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Đỗ Hữu Cương

Giám đốc Thư viện tỉnh Thanh Hóa

 

     Bất cứ lĩnh vực nào, con người luôn đóng một vai trò trung tâm, là nhân tố quyết định sự thành bại. Trong lĩnh vực thư viện cũng vậy, cán bộ là linh hồn của công tác thư viện, là cầu nối giữa tài liệu, phương tiện kỹ thuật với người đọc, là người truyền cảm hứng, hướng dẫn, định hướng đọc cho người sử dụng tài liệu. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, vai trò đó ngày càng được phát huy mạnh mẽ hơn khi thông tin được coi là nền tảng của sự phát triển. Do đó, đòi hỏi người cán bộ thư viện phải luôn học hỏi để trau dồi kiến thức, trau dồi kỹ năng, phát huy vai trò trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu phục vụ đọc của nhân dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

     I. Xây dựng nguồn nhân lực ở Thư viện tỉnh Thanh Hoá

     1. Xu thế phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh nhà

     Sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội ở tỉnh Thanh Hoá trong xu thế hội nhập quốc gia và quốc tế đang ngày một phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Bộ mặt tỉnh Thanh Hoá ngày một đổi thay, giao lưu, hội nhập văn hoá du lịch trong nước và khu vực được đầu tư mạnh mẽ. Bản sắc văn hoá xứ Thanh được gìn giữ và phát huy mạnh mẽ được các cấp lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm. Nền văn hoá dân tộc được duy trì bền vững, giáo dục đào tạo được đổi mới, xây dựng con người xứ Thanh thân thiện trong mắt bạn bè trong và ngoài nước. Khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nguồn nhân lực tri thức cao được tỉnh quan tâm, kêu gọi và tạo điều kiện làm việc thuận lợi.

     2. Nguồn nhân lực thư viện tỉnh Thanh Hoá trước năm 1971

     Ngay từ khi thành lập Thư viện (tháng 3/1956) công tác nhân lực đã được các cấp quan tâm, coi trọng. Tìm chọn những người có tâm huyết để hoạt động thư viện trong lúc mới thành lập là việc làm hết sức cần thiết nhằm phát triển phong trào đọc sách, báo trong nhân dân, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng miền Bắc XHCN và đấu tranh thống nhất nước nhà. Tuy nhiên, do khó khăn chung của miền Bắc mới hòa bình và có cả sự hạn chế nhận thức về thư viện nên tổ chức ty và tỉnh khi đó thường ưu tiên chọn những người có phẩm chất, nhiệt tình cách mạng cao để bố trí làm công tác thư viện là chủ yếu. Suốt gần 10 năm, từ 1956 đến 1965, thư viện tỉnh chỉ có 5 cán bộ, trong đó có 3 cán bộ trung cấp thư viện. Cuối năm 1965, ông Đỗ Hữu Thích tốt nghiệp đại học thư viện, là người có học vị cử nhân đầu tiên về công tác tại thư viện tỉnh. Từ năm 1966 đến 1970, do hoạt động đọc sách báo tại thư viện trung tâm và trong toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, UBND tỉnh đã tăng cường thêm cho thư viện 7 cán bộ, trong đó có 1 đại học, 3 trung cấp và 3 sơ cấp. Phải đến khi được chuyển lên thư viện Khoa học tổng hợp, thư viện Thanh Hóa mới có sự chuyển đổi thực sự về chất trên nhiều lĩnh vực mà trước hết là nguồn nhân lực.

     3. Thư viện KHTH - cột mốc về chất lượng nguồn nhân lực thư viện

     Để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng miền Bắc XHCN, làm hậu phương vững chắc cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 15/2/1971, Ủy ban Hành chính tỉnh ban hành Quyết định chuyển thư viện đại chúng Thanh Hóa lên Thư viện Khoa học tổng hợp. Từ đây, Thư viện tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc ty Văn hóa, có con dấu riêng và được thành lập các bộ phận trực thuộc. Với chức năng, nhiệm vụ mới, Thư viện Khoa học tổng hợp đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn cao và đa dạng lĩnh vực đào tạo. Bởi thế, từ năm 1970 - 1973 Ty Văn hóa đã tăng cường cho thư viện thêm 7 cán bộ Đại học và 1 cán bộ Trung cấp. Trong số cán bộ Đại học có 1 đồng chí tốt nghiệp Đại học ở Liên Xô và 5 đồng chí tốt nghiệp Đại học trong nước. Do không phù hợp với đòi hỏi của nhiệm vụ mới, nên số cán bộ sơ cấp được chuyển về công tác tại Ty Văn hóa. Như vậy, cho đến năm 1973 Thư viện tỉnh có 9 cán bộ có trình độ Đại học và 5 cán bộ có trình độ Trung cấp. Đây là đội ngũ cán bộ khá mạnh so với các thư viện tỉnh ở miền Bắc khi đó. Năm 1975, ông Đỗ Hữu Thích - Giám đốc thư viện đã được nhà nước cử đi đào tạo Tiến sĩ tại Liên Xô (nay là Cộng hòa liên bang Nga) và là người có học vị cao nhất về Thư viện của Thư viện Thanh Hóa, đã đóng góp nhiều bài học về lý luận và thực tiễn từ Liên Xô cho sự phát triển của thư viện tỉnh nhà.

     Có thể nói, từ thư viện đại chúng đi lên thư viện Khoa học tổng hợp là một cột mốc không thể nào quên trong tiến trình phát triển của thư viện Thanh Hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của cách mạng, gốc có vững thì cây mới mạnh”. Nhận thức điều đó, sau khi hiệp định Paris được ký kết, đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, để tăng cường chất lượng cho cán bộ thư viện trong toàn tỉnh, thư viện KHTH đã phối hợp với trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật chiêu sinh đào tạo chính quy lớp Trung cấp Thư viện đầu tiên, cung cấp cán bộ có chuyên môn cho các thư viện huyện, thị, các trường chuyên nghiệp và các ngành trong tỉnh. Việc làm này đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của các thư viện và phong trào đọc sách báo trong tỉnh, hình thành mạng lưới thư viện từ tỉnh đến các huyện, thị xã và các trường chuyên nghiệp trong tỉnh. Từ kết quả của việc đào tạo trung cấp Thư viện, nhờ sự thuyết phục, chắp nối với trường Đại học văn hóa Hà Nội của thư viện KHTH, trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật được UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin giao nhiệm vụ chiêu sinh lớp Đại học Thư viện hệ tại chức (1984 - 1987) có sự giúp đỡ của trường đại học Văn hóa Hà Nội nhằm tăng cường cán bộ có trình độ đại học cho hệ thống thư viện tỉnh, huyện. Sau 3 năm, riêng thư viện tỉnh đã cử đi đào tạo được 16 cán bộ có trình độ Đại học. Với sự khởi đầu thành công, thư viện đã cử thêm 9 cán bộ đi đào tạo khóa 1994 -1998, nâng tổng số cán bộ lên 25/26 có trình độ đại học. Cũng nhờ chủ trương này, gần 200 cán bộ cán bộ thư viện huyện, thị và các trường đã có trình độ đại học, tạo nên bước phát triển mới về chất lượng của mạng lưới thư viện công cộng và trường học của Thanh Hóa.

     Quy luật, có cán bộ giỏi mới có phong trào mạnh và có phong trào mạnh mới chọn lựa được cán bộ có năng lực tốt. Trong 60 năm qua, thư viện Thanh Hóa đã bồi dưỡng và cung cấp nhiều cán bộ ưu tú cho tỉnh và trung ương. Tiêu biểu là: Tiến sĩ Đỗ Hữu Thích - Giám đốc sở VH-TT (1985 - 1994) Ủy viên ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo (1994 - 2000); Cử nhân Phạm Thế Khang - Phó Giám đốc Sở VH-TT (1994 - 1996), Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VH-TT (6/1996 - 6/2000) Giám đốc thư viện Quốc gia (6/2000 - 10/2009), Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam (2011 - nay); Cử nhân Nguyễn Xuân Thanh - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa (2015 - nay).

     4. Nguồn nhân lực của Thư viện hiện nay

     Thư viện tỉnh Thanh Hoá hiện nay có 44 cán bộ, trong đó có 09 nam; 35 nữ.

     - Ban Giám đốc gồm có 3 đồng chí và 6 phòng chức năng.

     - Về độ tuổi: Cán bộ trên 50 tuổi: 3 đồng chí; cán bộ từ 30 đến 40 tuổi: 23 đồng chí; cán bộ dưới 30 tuổi: 18 đồng chí.

     - Về trình độ chuyên môn: Có 41 cán bộ cử nhân; Trong đó: 13 cán bộ cử nhân thông tin thư viện; 5 thạc sĩ, còn lại là cử nhân ngành sư phạm, ngoại ngữ, tài chính, tin học, lịch sử, khoa học xã hội nhân văn.

      - Trình độ tin học: 100% cán bộ sử dụng thành thạo máy tính, trong đó có 03 đại học công nghệ thông tin.

      - Trình độ lý luận chính trị: 3 cán bộ có trình độ lý luận cao cấp; 1 trung cấp lý luận; 12 đồng chí đã học qua lớp quản lý Nhà nước.

      II. Những yêu cầu đối với cán bộ Thư viện trong giai đoạn mới:

     - Căn cứ định hướng của Bộ VH,TT&DL đối với thư viện công cộng trong giai đoạn 2016 - 2020: “Phát triển Thư viện Việt Nam trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu hiệu phục vụ việc học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân với nguồn lực thông tin phong phú, công nghệ hiện đại, các dịch vụ đa dạng, dễ dàng tiếp cận và hình thành đội ngũ cán bộ thư viện chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, hỗ trợ cho việc học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên” (Tổng kết 5 năm hoạt động của hệ thống TVCC 2011 - 2015).

     - Căn cứ phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020 và truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành của Thư viện, thư viện tỉnh cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ về lượng, mạnh về chất, đáp ứng nhu cầu phát triển của đơn vị trong thời kỳ mới. Cụ thể những yêu cầu cần rèn luyện và vươn tới của cán bộ thư viện Thanh Hóa là:

     Thứ nhất là lòng yêu nghề:

     Tỉnh đã quan tâm đầu tư cho Thư viện một trụ sở khang trang, hiện đại và đồng bộ vào bậc nhất cả nước. Cách đây ít năm, dẫu có nằm mơ chắc nhiều người cũng không thể có giấc mơ về cơ ngơi thư viện như ngày hôm nay. Để phát huy công năng công trình, không phụ sự ưu ái của lãnh đạo và nhân dân cả tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của thư viện, trước hết mỗi cán bộ cần có một tấm lòng yêu nghề. Tình yêu với nghề sẽ đến từ nhiều phía: Cơ quan góp sức bằng chính sách, chế độ và sự chăm lo đời sống tinh thần, vật chất; các đoàn thể sẽ hỗ trợ bằng các phong trào thi đua hữu ích, xây dựng môi trường thân ái, đoàn kết, dân chủ; còn từng cán bộ thư viện sẽ tìm thấy niềm vui từ những thành công, những kết quả trong công việc hàng ngày của chính mình. Nhờ sự giúp đỡ của thư viện, bạn đọc sẽ có những thành công trong học tập, công tác, nghiên cứu khoa học... đấy chính là niềm vui của cán bộ thư viện. Hãy nghĩ về lời đánh giá xác đáng của Plê kha nốp (Nga) đầu Thiên niên kỷ mới: “Mặc dù đã có sự thần kỳ của máy móc, nhưng cho đến tận hôm nay, thư viện vẫn là nguồn lực chính cho mọi sự hiểu biết”. Nguồn lực thư viện chỉ được phát huy và đưa lại hiệu quả thông qua người cán bộ vốn đã được suy tôn là “linh hồn của công tác thư viện”.

     Nhân dịp kỷ niệm này, mỗi cán bộ hãy tìm câu trả lời: 60 năm qua, trải qua biết bao giai đoạn lịch sử với những khó khăn, gian khổ chồng chất, nhưng tại sao thư viện Thanh Hóa (không phải tất cả các thư viện tỉnh khác) vẫn băng băng tiến về phía trước? Phải chăng, những tấm lòng yêu nghề đã giúp cho các thế hệ cán bộ có đủ sức mạnh tinh thần, sự thông minh để tìm ra những cách làm hay trong điều kiện vật chất hạn chế, thích ứng với sự biến đổi của xã hội, góp phần đưa thư viện phát triển. Tình yêu nghề đã gắn kết các trái tim, tạo nên tình cảm đoàn kết thân thương, trên dưới một lòng. Tình yêu nghề biến mỗi cán bộ trở thành một người thân của những người đến sử dụng thư viện mà duy nhất chỉ có thư viện mới gọi họ là “bạn” và tích cực đổi mới phong cách phục vụ, thân thiện, tận tình, thu hút ngày càng đông bạn đọc. Trong điều kiện còn hạn chế về số lượng biên chế, cán bộ thư viện ngày nay đòi hỏi phải giỏi một việc, biết nhiều việc, có tri thức văn hóa chung, kỹ năng chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo, góp phần dù nhỏ nhất để chăm chút cho thư viện tỉnh trở thành một địa chỉ thân quen lui tới hàng ngày của hàng nghìn bạn đọc. Dù làm bất cứ công việc nào thì lòng yêu nghề vẫn là nhân tố quan trọng hàng đầu và tạo nên sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách, đi đến thành công. Con người dù có thông minh đến mấy cũng không thể thành tài nếu người đó không có sự yêu nghề, yêu công việc mình đã chọn. Đặc biệt, đối với nghề thư viện - một nghề mà xã hội hiện nay chưa nhìn nhận đúng đối với vị trí và vai trò của nó. Trong một số hội thảo, hội nghị, cấp này, cấp nọ đều nhấn mạnh “thư viện là trái tim, là huyết mạch” cung cấp tri thức cho con người, là công cụ hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế thì việc đầu tư cho thư viện lại chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở thư viện huyện, xã. Đời sống của những người làm công tác thư viện còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người học thư viện khi ra trường, có năng lực nhưng không muốn công tác ở thư viện hoặc không muốn ở lại lâu dài để xây dựng và phát triển sự nghiệp thư viện. Ngay cả những cơ sở đào tạo cũng không thu hút được sinh viên giỏi theo học chuyên ngành thông tin - thư viện. Vì vậy, để có thể phát triển được sự nghiệp thư viện, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, hiện nay rất cần những cán bộ có lòng yêu nghề, hết lòng vì thư viện.

     Thứ hai là phải có kiến thức toàn diện:

     Trái tim nồng ấm chưa đủ, cán bộ thư viện cần có khối óc thông minh, có đủ kiến thức cần thiết để tổ chức, vận hành hợp lý cơ sở vật chất đồ sộ, đưa nguồn tài nguyên thông tin quý giá đến với bạn đọc. Mỗi cán bộ thư viện thời kỳ mới cần có kiến thức toàn diện. Đó là:

     - Về nhận thức chính trị, cán bộ cần nắm được phương hướng, chủ trương, nghị quyết của tỉnh, trên cơ sở nhận thức đó biết vận dụng vào công việc thư viện, phát huy thế mạnh về nội dung và hình thức của ngành để đưa sách báo phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Ví dụ, thực hiện vị trí trung tâm thông tin, thư viện đã biên soạn và ấn hành đều đặn “Thanh Hóa qua báo chí trung ương” phục vụ lãnh đạo; thư mục chuyên đề “Chung tay xây dựng nông thôn mới” góp phần đưa tri thức xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới ở nông thôn, hay chỉ đạo phát triển mạng lưới thư viện trong các nhà máy, khu công nghiệp, thiết thực phục vụ chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

     - Về chuyên môn, cần tự học tập nâng cao năng lực áp dụng các thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thư viện. Với chủ trương “giỏi một việc, biết nhiều việc”, trong kỷ nguyên thông tin, cán bộ thư viện tỉnh cho dù không ở phòng tin học cũng cần biết sử dụng phần mềm, tra cứu thông tin, bao gói thông tin, phục vụ chọn lọc theo yêu cầu bạn đọc. Cán bộ thư viện cần thực hiện tốt chuẩn hóa về biên mục để liên kết, trao đổi, chia sẻ tài nguyên với thư viện bạn, tiến tới xây dựng mục lục liên hợp điện tử trong tương lai. Hiện nay, nội dung chuẩn hóa về biên mục đã có sự phát triển. Cần nghiên cứu để tham gia tập huấn ứng dụng khung phân loại bản đầy đủ DDC.23 và bộ miêu tả mới trong môi trường mạng RDA.

     - Xu thế chung hiện nay, vai trò số 1 trong thư viện là biên mục đã chuyển dịch sang công tác phục vụ và tổ chức các hoạt động dịch vụ. Người phục vụ giờ đây không chỉ là người người giữ kho, cho mượn trả như trước mà phải là chuyên gia thông tin có khả năng hướng dẫn bạn đọc khai thác, tư vấn, cung cấp, chọn lọc thông tin có chất lượng cao đến người dùng tin một cách chủ động. Nhận thức điều này, tất cả cán bộ thư viện cần có kỹ năng chuyên môn vững vàng để làm tốt vai trò cầu nối giữa tri thức của nhân loại với người dùng thông tin, sưu tầm, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin có chất lượng tới người dùng thông tin. Vì vậy, cán bộ thư viện cần có hiểu biết nhất định về tình hình xã hội, không “chuyên môn hóa” khép kín trong một bức tường thư viện, cần biết sử dụng kiến thức chuyên môn, từ mô tả, phân loại, định từ khoá, định chủ đề, tiếp thị thư viện, tổ chức dịch vụ đến tra cứu thông tin... để phục vụ bạn đọc. Cán bộ thư viện phải thường xuyên đọc nhiều loại sách báo nhằm nâng cao cảm nhận tác phẩm, truyền cảm hứng đọc tới bạn đọc. Từ vốn tri thức đã tích lũy, cán bộ có thể trao đổi, chia sẻ những sách hay, sách cần đọc với bạn đọc và cao hơn hãy tập làm diễn giả giới thiệu tác phẩm, trước hết cho học sinh.

     Thứ ba là phải có trình độ ngoại ngữ và tin học cần thiết:

     Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thư viện không chỉ giảm bớt công sức lao động cho người cán bộ mà còn nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc và làm thay đổi bộ mặt thư viện từ truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số. Hầu hết các hoạt động thư viện đều cần có sự trợ giúp của máy tính. Cùng với sự phát triển của xã hội và bùng nổ thông tin như ngày nay, nếu không có sự hỗ trợ, định hướng của người làm công tác thư viện giúp cho người dùng tin thì người dùng tin rất dễ bị chới với trước sự bùng nổ thông tin trong xã hội. Cán bộ thư viện sẽ là một trong những người tư vấn hữu hiệu cho bạn đọc sử dụng thông tin một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời nhất. Muốn làm được như vậy người làm công tác thư viện phải không ngừng trau dồi kiến thức và nâng cao nghiệp vụ, nhất là công nghệ tin học để khai thác tốt và có hiệu quả thông tin. Người cán bộ thư viện phải có trình độ tin học ứng dụng vững vàng, biết sử dụng phần mềm và máy tính thành thạo. Đây là yêu cầu tất yếu đặt ra đối với cán bộ thư viện hiện nay và tương lai.

     Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, người cán bộ thư viện nhất thiết phải có trình độ ngoại ngữ khá, để liên kết, chia sẻ các nguồn thông tin có trong thư viện mình với các thư viện trong nước và nước ngoài. Hiểu biết ngoại ngữ dù chỉ ở trình độ thấp nhưng chúng ta sẽ tự tin hơn trong giao tiếp. Theo định hướng của Bộ VH,TT&DL, đến năm 2020, cán bộ thư viện phải sử dụng thành thạo tiếng Anh. Thư viện rất cần cán bộ biết Hán - Nôm, Pháp văn làm công tác Địa chí. Cơ quan sẵn sàng tạo điều kiện để cán bộ đi học thêm ngoại ngữ. Những người có trình độ tiếng Anh B - C, cơ quan sẽ liên hệ Thư viện Quốc gia cử đi học tập tại Ấn Độ.

     Thứ tư là năng động, sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu kỹ năng mới:

     Nghiệp vụ và công nghệ thư viện trong nước và thế giới phát triển nhanh, không ngừng đổi mới. Vì vậy đòi hỏi cán bộ thư viện phải luôn năng động tiếp cận cái mới, sáng tạo và thay đổi trong nếp nghĩ để tạo nên bước phát triển thư viện mình. Cần mạnh dạn ứng dụng những cái mới vào công việc để xây dựng thư viện hiện đại. Khiêm tốn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém của bản thân, cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ để thích nghi với thời đại ngày nay.

     Người làm công tác Thư viện hiện đại có cần khả năng làm việc tổ nhóm, khả năng giao tiếp, khả năng thuyết trình tốt, biết sử dụng sức mạnh của truyền thông vận động để quảng bá hình ảnh của thư viện, có khả năng khai thác và giới thiệu những dịch vụ, sản phẩm thông tin, thu hút ngày càng đông bạn đọc đến thư viện. Biết viết, biết nói, biết tổ chức, điều hành, đánh giá, tổng kết, nhân điển hình... đang là điểm yếu của cán bộ thư viện. Thư viện sẽ phối hợp với Hội Thư viện tổ chức lớp bồi dưỡng về kỹ năng mềm cho cán bộ. Cùng với những kỹ năng, cán bộ thư viện cần tự học, tự rèn luyện cách tổ chức phong trào đọc, góp phần chấn hưng văn hóa đọc của tỉnh. Năng động, sáng tạo các nội dung, phương pháp chỉ đạo mạng lưới thư viện huyện và cơ sở, liên kết nhằm hoàn thành trọng trách thư viện trung tâm đối với mạng lưới thư viện trường học, thư viện đại học, cao đẳng, trung cấp và thư viện trong các lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh. Thư viện tỉnh sẽ thành lập Liên chi hội thư viện tỉnh Thanh, xây dựng ngôi nhà chung cho cán bộ thư viện toàn tỉnh. Liên chi hội sẽ vận động cán bộ thư viện toàn tỉnh thực hiện phong trào thực hành “Thư đức” - tiêu chí rèn luyện của cán bộ thư viện do Hội Thư viện phát động với nội dung: “Tri thức làm nền. Tinh thông nghiệp vụ. Văn minh lịch sự. Phục vụ tận tình. Ghi nhớ đinh ninh. Thủ thư thân thiện”.

     Thư viện tỉnh Thanh Hoá có được như ngày hôm nay là nhờ công lao to lớn của các thế hệ cha anh, những cán bộ tâm huyết với sự nghiệp Thư viện tỉnh nhà đã biến sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trở thành hiện thực, làm thay đổi diện mạo Thư viện tỉnh trong suốt quá trình 60 năm xây dựng và phát triển.

     Phấn khởi tự hào về chặng đường hơn nửa thế kỷ đầy vinh quang của thư viện tỉnh, mỗi cán bộ thế hệ hôm nay cần tự vượt mình, nhanh chóng tự học, tự rèn luyện để đáp ứng nhu cầu cầu mới của bạn đọc. Với nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản lại được thử nghiệm trong không gian hiện đại của Thư viện Thanh Hóa, hứa hẹn sẽ góp phần xây dựng thành công thư viện theo mô hình: Tiên tiến, hiện đại, lấy điện tử hóa, tự động hóa làm nòng cốt, đẩy mạnh việc số hóa tài liệu, liên kết, chia sẻ nhằm gia tăng nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển văn hóa đọc, củng cố vững mạnh mạng lưới thư viện công cộng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, năng động, sáng tạo nhằm phục vụ hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát trển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển, thực hiện xuất sắc vai trò trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục, khoa học của thư viện tỉnh.

Thư viện số Tra cứu sách

KẾT NỐI WEBSITE

Bộ VHTTDL Sở văn hóa thể thao và du lịch thanh hóa Thư viện quốc gia việt nam

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

LƯỢT TRUY CẬP