Banner top Thư viện tỉnh Thanh hoá
  • Loading...

60 NĂM XÂY DỰNG, TRƯỞNG THÀNH VÀ SỰ PHÁT TRIỂN VƯỢT BẬC CỦA THƯ VIỆN TỈNH THANH HÓA.

Vũ Dương Thuý Ngà

Vụ trưởng Vụ Thư viện
 

      Để hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Thư viện tỉnh Thanh Hoá, chúng tôi thực hiện bài viết này để đánh giá lại những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá trình xây dựng và phát triển của Thư viện tỉnh Thanh Hoá, một trong những thư viện tỉnh đã có sự phát triển bứt phá về mọi mặt trong những năm gần đây.

      I. Quá trình hình thành và phát triển của Thư viện tỉnh Thanh Hoá

     Thư viện tỉnh Thanh Hoá được Uỷ ban Hành chính tỉnh ra Quyết định thành lập ngày 05/3/1956. Cơ sở vật chất ban đầu chỉ có 3.000 cuốn sách, chưa có trụ sở làm việc, được xếp ở chung với Phòng Thể dục - Thể thao thị xã Thanh Hóa.

     Trong 5 năm đầu mới thành lập thư viện chủ yếu tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách và tổ chức các cuộc thi đọc sách báo phục vụ sản xuất tăng gia. Ngoài ra, thư viện còn cử cán bộ đi về cơ sở phối hợp với phòng văn hoá quần chúng mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tủ sách cơ sở.

     Năm 1959, Uỷ ban Hành chính đầu tư xây dựng trụ sở và mua sắm trang thiết bị, mọi hoạt động của Thư viện tỉnh đã được nâng lên. Đến năm 1960, Thư viện tỉnh tổ chức phòng đọc riêng cho bạn đọc thiếu nhi với 65 chỗ ngồi và cùng năm 1960 Ty Văn hoá và Mặt trận Tổ quốc tỉnh thành lập Thư viện Thanh Hoá - Quảng Nam kết nghĩa anh em.

     Ngày 2/9/1964, Thư viện huyện Vĩnh Lộc ra đời là Thư viện huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và đến năm 1966 hàng loạt các thư viện huyện khác trên địa bàn tỉnh được thành lập. Đến nay, Thanh Hóa đã đứng thứ ba của cả nước về sự phát triển của thư viện huyện và cơ sở.

     Năm 1971, Uỷ ban Hành chính tỉnh ra Quyết định chuyển Thư viện Thanh Hoá từ Thư viện đại chúng lên Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh. Lúc này, Thư viện KHTH tỉnh mở thêm 02 phòng chức năng nữa là: phòng Ngoại văn và phòng Địa chí.

     Đến năm 1974, hàng loạt Thư viện xã trên địa bàn tỉnh đã được thành lập. Hệ thống thư viện công cộng Thanh Hoá hình thành ba cấp thư viện gồm: Tỉnh, huyện, xã. Năm 1976, 95% số xã của tỉnh có thư viện xã.

     Ngày 17/6/1978, Sở Văn hóa - Thông tin, Mặt trận Tổ quốc, Thư viện tỉnh Thanh Hoá đã tặng Thư viện tỉnh Quảng Nam 84.000 cuốn sách.

     Năm 1980, do cơ chế thay đổi, xóa bỏ bao cấp, hoạt động Thư viện tỉnh, huyện, xã ở Thanh Hoá gặp nhiều khó khăn. Một số thư viện đã phải đóng cửa. Trước thực trạng đó Thư viện KHTH tỉnh Thanh Hoá đã linh hoạt vận dụng Thông tư liên bộ, Bộ Văn hoá thông tin - Bộ Tài chính xin bổ sung sách tập trung cho 27 thư viện huyện, thị và tập trung vào công tác phục vụ ba chương trình kinh tế lớn của tỉnh.

     Từ năm 2000 đến nay, thực hiện Pháp lệnh Thư viện xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức hoạt động của Thư viện. Bộ máy tổ chức của thư viện không ngừng được kiện toàn. Từ chỗ có 4 phòng vào năm 2007, đến năm 2014 thư viện đã thành lập thêm 02 phòng nữa. Hiện tại, Thư viện tỉnh có 06 phòng chức năng: Phòng phục vụ bạn đọc gồm các bộ phận: Mượn, Đọc, Tra cứu ngoại văn, Thiếu nhi, Báo - Tạp chí, phòng đọc tài liệu lưu trữ; Phòng Bổ sung - Biên mục; Phòng Địa chí; Phòng Tin học; Phòng Xây dựng phong trào và Phòng Hành chính - Tổng hợp.

     Ban lãnh đạo thư viện đã luôn quan tâm đến việc xây dựng và hình thành đội ngũ người làm công tác thư viện chuyên nghiệp, tận tâm. Hiện tại thư viện đã có 44 cán bộ viên chức. Trình độ cán bộ không ngừng được nâng lên. Thư viện đã có tới 05 thạc sĩ, 02 cán bộ cao cấp lý luận, 05 chuyên viên chính, 03 chuyên viên. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự thành công của thư viện trên nhiều phương diện, từ xây dựng thư viện hiện đại, đến triển khai các dịch vụ mới phong phú và thân thiện với người sử dụng.

     II. Một số thành tựu nổi bật

     1. Công tác xây dựng và phát triển vốn tài liệu

     Với nhận thức sự hấp dẫn của một thư viện trước hết phụ thuộc vào sự phong phú của vốn tài liệu. Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bổ sung phát triển vốn tài liệu. Sau 60 năm xây dựng và trưởng thành, thư viện đã có tới 410.000 bản sách, 270 đầu báo tạp chí, 25.000 bản sách địa chí, 100.000 tập báo, tạp chí từ năm 1960 đến nay.

     Cùng với việc phát triển vốn tài liệu truyền thống, Thư viện tỉnh cũng đã quan tâm đến việc bổ sung tài liệu điện tử và số hóa tài liệu. Một số tài liệu địa chí quý đã được số hóa, tiêu biểu như: Thư mục 50 năm Hàm Rồng chiến thắng với 2.500 trang, Thanh Hóa - Hủa Phăn 300 trang, 50 năm nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam 282 trang, Thanh Hóa với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 200 trang, Thư mục Thanh Hóa qua báo chí trung ương 70.000 trang (từ năm 2002 đến nay), Đảng bộ Thanh Hóa qua các kỳ đại hội 400 trang, Lê Lợi với khởi nghĩa Lam Sơn 135 trang, chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn 248 trang, Hồ Quý Ly và vương triều Hồ 155 trang, Văn hóa Đông Sơn 200 trang, và Du lịch di sản 220 trang... Tổng cộng đến nay, Thư viện đã số hóa được 11 bộ sưu tập với hơn 30.000 đơn vị tài liệu. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh Thanh Hóa cũng đã mời các dịch giả dịch và số hóa các tư liệu hiện có tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa như: Le Thanh Hoa của tác giả Charles Robequain 659 trang, Charles Robequain là học giả người Pháp. cuốn “Tư liệu liên quan đến đền Sòng” của tác giả người Pháp A.Lergege, cuốn “La province de Thanh Hoa” và cuốn “Các đài kỷ niệm và các địa điểm lịch sử của tỉnh Thanh Hóa” của tác giả H.Lebreton

      2. Công tác phục vụ bạn đọc

      Để giúp cho bạn đọc có thể tra cứu được toàn bộ vốn tài liệu và nguồn lực hiện có, thư viện đã tổ chức xử lý hồi cố xong kho sách phòng mượn, phòng đọc, thiếu nhi, tra cứu ngoại văn. 18 máy trạm đã được triển khai cho bạn đọc tra cứu.

     Bằng các hình thức thu hút quảng bá, thư viện đã thu hút được nhiều bạn đọc đến sử dụng thư viện. Năm 2015, Thư viện có 4.300 bạn đọc đăng ký thẻ, phục vụ đến đọc tại chỗ 410.000 lượt, lượt sách luân chuyển 620.000 lượt. Thư viện đã đứng hàng thứ 6 trong cả nước về các chỉ tiêu liên quan đến phục vụ.

      3. Công tác Xây dựng mạng lưới

      Không chỉ quan tâm đến các hoạt động phục vụ tại thư viện, Thư viện tỉnh Thanh Hóa còn dành nhiều công sức trong việc phát triển mạng lưới thư viện công cộng trên địa bàn, tích cực tham gia vào việc đẩy mạnh văn hóa đọc tại địa phương. Có 27 thư viện huyện, thị xã, thành phố, 3.900 phòng đọc sách báo làng, 04 thư viện tư nhân, 170 thư viện xã, 11 tủ sách đồn biên phòng, 02 thư viện trại giam, luân chuyển sách về 77 điểm Bưu điện văn hoá xã, có 23 thư viện huyện và 28 thư viện xã được thụ hưởng dự án tin học từ Dự án BMGF-VN.

      4. Ứng dụng công nghệ thông tin

     Để nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ, thư viện tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện. Hiện tại Thư viện đang sử dụng phần mềm thư viện Ilib, xây dựng cơ sở dữ liệu, phòng đọc Đa phương tiện gồm 100 máy trạm, 02 máy chủ và đầy đủ các thiết bị ngoại vi khác. Tổng máy tính Thư viện tỉnh hiện có 130 máy; hiện thư viện đang xây dựng cổng thông tin điện tử.

     5. Công tác Địa chí

     Để giúp cho người đọc có thể nghiên cứu toàn diện về địa phương, Thư viên tỉnh Thanh Hóa đã rất chú trong phát triển công tác địa chí. Tổng kho Địa chí có 25.000 bản gồm các loại: Sắc phong, văn bia, thần tích, thư tịch cổ Hán Nôm, các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, và các loại hình ngôn ngữ như: Việt, Hán văn, Anh văn, Nga văn, Pháp văn có viết về địa phương, báo. Bộ sưu tập số tài liệu địa phương đã từng bước được hình thành và được bạn đọc quan tâm sử dụng.

     6. Xây dựng trụ sở, trang thiết bị hiện đại

Năm 2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá Quyết định đầu tư xây dựng Toà nhà thư viện 7 tầng với tổng diện tích sàn là 11.000m2, kiến trúc và trang thiết bị hiện đại. Hiện nay, Thư viện đã có một trụ sở với trang thiết bị hiện đại vào tốp 5 thư viện đứng đầu trong số các thư viện tỉnh của cả nước.

     III. Một số bài học kinh nghiệm

     Nhìn lại chặng đường phát triển của Thư viện tỉnh Thanh Hoá trong 60 năm qua, có thể rút ra một số bài học quý báu:

     Thứ nhất, Từ khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương. Thư viện đã đứng hàng thứ 6 trong các thư viện tỉnh cả nước về mức độ được cấp kinh phí hàng năm.

     Thứ hai, Ban Giám đốc và đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện đã tích cực tham mưu phát triển mạng lưới thư viện ở địa phương, phát huy được vai trò là thư viện trung tâm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

     Thứ ba, Thư viện đã phát triển vốn tài liệu song hành với vốn tài liệu điện tử, cho phép người sử dụng không bị giới hạn về không gian và thời gian. chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang một mô hình thư viện hiện đại, năng động hòa nhập với cộng đồng thư viện trong nước và quốc tế.

    Thứ tư, Bằng các biện pháp khác nhau, Thư viện tỉnh Thanh Hoá đã thu hút ngày một đông người đến sử dụng thư viện và trở thành địa chỉ cung cấp tri thức, thông tin cho người dân ở Thanh Hoá, đặc biệt là các cháu thiếu nhi, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

     Thứ năm, Thư viện đã thu hút được các nguồn lực xã hội hóa để làm cho cơ sở vật chất cũng như nguồn lực phong phú hơn, đáp ứng cầu đọc và khai thác tri thức của người dân trên một địa bàn rộng lớn của toàn tỉnh.

Thư viện số Tra cứu sách

KẾT NỐI WEBSITE

Bộ VHTTDL Sở văn hóa thể thao và du lịch thanh hóa Thư viện quốc gia việt nam

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

LƯỢT TRUY CẬP