Banner top Thư viện tỉnh Thanh hoá
  • Loading...

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Lê Thiện Dương

Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Thanh Hóa

 

     Thư viện huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được gọi chung là Thư viện cấp huyện, có vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống thư viện công cộng, là cầu nối giữa Thư viện tỉnh với thư viện, tủ sách ở cơ sở, là cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện trên địa bàn. Thư viện huyện đóng vai trò là cơ quan văn hóa giáo dục, là trung tâm thông tin - thư viện phục vụ học tập, nghiên cứu và sản xuất của nhân dân địa phương; góp phần tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến quần chúng nhân dân.

     Tỉnh Thanh Hóa có 27 thư viện huyện, thị, thành phố. Các thư viện đều nằm trong Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện, chịu sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện ở tất cả các mặt hoạt động như: trụ sở hoạt động, kinh phí hoạt động, trang thiết bị, nhân sự,... Nhìn chung, hệ thống thư viện cấp huyện, thị, thành phố ở tỉnh ta đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Các thư viện đều có trụ sở hoạt động, có trang thiết bị hoạt động như: giá sách, tủ sách, bàn ghế, tủ thư mục. Bình quân mỗi thư viện có từ 10.000 - 20.000 bản sách, 23/27 thư viện đã có phòng đọc đa phương tiện - truy cập internet. Các Thư viện đều được bố trí từ 1 - 2 cán bộ. Những năm vừa qua, hệ thống thư viện huyện, thị, thành phố ở Thanh Hóa đã có nhiều cố gắng vươn lên trong công tác phục vụ bạn đọc, xây dựng và chỉ đạo phong trào đọc sách báo cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống thư viện huyện, thị, thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là sự hấp dẫn, khả năng thu hút bạn đọc đến với thư viện. Để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tập trung làm tốt các mặt công tác sau:

     1. Quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và đầu tư trang thiết bị.

     Đầu tư cho cơ sở vật chất là vấn đề quan trọng của thư viện cấp huyện. Thư viện cấp huyện phải được xây dựng riêng biệt gần trung tâm nơi có giao thông thuận tiện để mọi đối tượng bạn đọc có thể biết và đến thư viện. Thư viện cấp huyện phải được đầu tư trang thiết bị hiện đại như: Giá sách, tủ, bàn ghế, đèn, quạt các thiết bị điện tử như: máy in, máy pho- tocopy, hệ thống quạt thông gió, thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

     Với diện tích như hiện nay thì các thư viện huyện rất khó tổ chức đầy đủ các bộ phận để hoạt động. Trong Thông tư số 56/2003/TT-BVHTT, ngày 16/9/2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn chi tiết về điều kiện thành lập thư viện và thủ tục đăng kí hoạt động thư viện có quy định rõ về số lượng vốn tài liệu, diện tích kho sách lưu giữ vốn tài liệu, diện tích nơi làm việc của nhân viên, số lượng chỗ ngồi đọc, trang bị máy tính, bố trí diện tích rộng rãi để đặt máy cho bạn đọc tra cứu, có diện tích dành cho lưu giữ và bảo quản kho sách, diện tích dành cho công tác phục vụ bạn đọc và diện tích dành cho công tác nghiệp vụ (bao gồm cả diện tích làm việc của cán bộ và khoảng cách chuẩn giữa các giá sách, các bộ bàn ghế phục vụ). Cần bám sát các quy định này để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các thư viện.

     2. Quan tâm đầu tư kinh phí hoạt động cho các thư viện.

     Thư viện hoạt động bằng nguồn ngân sách của Nhà nước là chủ yếu, ngoài ra được thu từ các loại hình dịch vụ; sự đóng góp, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân. Kinh phí hoạt động bao gồm chế độ lương cho mỗi cán bộ như quy định hiện hành, chế độ phụ cấp cho cán bộ, kinh phí hoạt động nghiệp vụ.

     Kinh phí cho các thư viện phải được duy trì đều đặn, có chế độ điều chỉnh hợp lý theo mức tăng dần hàng năm dành cho các thư viện để đảm bảo cho một số hoạt động chủ yếu như: bổ sung vốn tài liệu, tuyên truyền giới thiệu sách, bảo quản kho sách.

     Các cơ quan chủ quản cần nắm rõ nội dung trong việc tổ chức hoạt động cơ bản của thư viện, tránh tình trạng có những hoạt động nghiệp vụ như bảo quản sách báo, xử lý kỹ thuật, không được quan tâm đầu tư kinh phí.

     Các thư viện cấp huyện cần có những phương thức tổ chức hoạt động có thu thông qua các dịch vụ tại thư viện như: Phục vụ bạn đọc có nhu cầu photocopy tài liệu; cung cấp thông tin theo yêu cầu bạn đọc với nhiều hình thức khác nhau như cung cấp thông tin ở dạng giấy, qua email, qua điện thoại hoặc qua đường bưu điện. Có thể xây dựng các bộ sưu tập dạng giấy: Tài liệu địa chí, thư mục chuyên đề theo yêu cầu của cá nhân hay tổ chức để vừa đảm bảo việc phục vụ bạn đọc, vừa để tăng thêm kinh phí.

     Thư viện cấp huyện có thể tranh thủ sự hỗ trợ của các thư viện cấp trên, của Chương trình mục tiêu quốc gia, của các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng như sự tài trợ của một số Nhà xuất bản để tăng nguồn lực thông tin cho thư viện.

     Thư viện tỉnh phối hợp với cơ quan chủ quản có trách nhiệm tư vấn cho thư viện cấp huyện trong việc xây dựng kế hoạch và quản lý tài chính.

     3. Quan tâm xây dựng và phát triển vốn tài liệu có chất lượng.

     Xây dựng và phát triển vốn tài liệu là yếu tố đầu tiên, mang tính quyết định trong việc xây dựng và phát triển thư viện. Vốn tài liệu không chỉ là tài sản mà còn là cơ sở cho hoạt động hiệu quả của mỗi thư viện. Vốn tài liệu càng phong phú thì khả năng đáp ứng nhu cầu đọc càng lớn và càng có sức thu hút bạn đọc, là một trong những yếu tố quyết định chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của thư viện nên việc bổ sung sách báo đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong quá trình xây dựng và bổ sung sách báo, cán bộ thư viện phải hết sức lưu ý tới chất lượng. Các sách báo được bổ sung vào thư viện phải đáp ứng với nhu cầu và phù hợp với trình độ của nhân dân ở địa phương, phù hợp với quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Cần lưu ý loại hình sách, báo luân chuyển, số lượng bản, tên sách, nội dung sách luân chuyển phải được bạn đọc quan tâm. Bám sát các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương để luân chuyển sách có nội dung phù hợp, đúng đối tượng, đúng mục đích và trình độ dân trí của người dân sống trên địa bàn. Nên chọn sách khoa học, kỹ thuật nông nghiệp, sách phổ biến kinh nghiệm sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, những mô hình sản xuất giỏi để luân chuyển.

     4. Mở rộng các hoạt động phục vụ bạn đọc.

     Phục vụ tại thư viện huyện: Phục vụ bạn đọc tại các phòng chuyên biệt, thông qua các phòng đọc, phòng mượn để cung cấp sách báo và các nguồn tin khác cho bạn đọc ngay tại thư viện. Đẩy mạnh hoạt động phục vụ sách báo cho công tác quản lý, nghiên cứu khoa học và sản xuất tại địa phương. Cần tập trung thu hút và phục vụ bạn đọc là học sinh, thanh thiếu nhi, cán bộ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức, nông dân, cán bộ hưu trí.

     Phục vụ bằng hình thức tự chọn (kho mở): Bạn đọc có thể xem xét một cách tỉ mỉ về nội dung, chủ đề của tài liệu và lựa chọn ra những tài liệu phù hợp với yêu cầu. Kho tài liệu được tổ chức sắp xếp theo một trật tự nhất định và khoa học theo khung phân loại DDC.

     Phục vụ ngoài thư viện là hình thức phục vụ đơn giản và có tác dụng rõ ràng. Đây là hình thức thư viện tổ chức phục vụ tận tay một số đối tượng bạn đọc như: Nông dân, học sinh... bằng nhiều phương tiện khác nhau... Cần chú ý quan tâm đến hình thức phục vụ này trong giai đoạn hiện nay.

     5. Nghiên cứu, biên soạn các sản phẩm thông tin - thư mục.

     Ngoài những thông tin phục vụ lãnh đạo, học tập, nghiên cứu, nên tập trung chủ yếu vào các vấn đề sản xuất nông nghiệp. Thư viện nên kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện thu thập các tài liệu trên sách báo - tạp chí, biên soạn thành những tài liệu phù hợp với từng vùng, từng thời vụ, phù hợp với khả năng tiếp thu của người nông dân, gửi cho các xã để áp dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Những sản phẩm này không nên theo định kỳ mà nên theo những vấn đề mà địa phương đang cần giải quyết.

     6. Đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu sách báo.

     Hình thức tuyên truyền nên đa dạng, phong phú như tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ của các đoàn thể quần chúng, mời diễn giả nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu sách,... Thông qua hình thức này, bạn đọc sẽ tiếp thu được nhiều thông tin, kiến thức, kinh nghiệm hay để áp dụng trong đời sống, sản xuất và chính họ có thể lại trở thành những người quảng bá tiếp cho người khác về những kiến thức, kinh nghiệm này. Đặc biệt, nên mời những diễn giả có trình độ và uy tín nói chuyện về chuyên đề tại các thư viện cơ sở.

     7. Ứng dụng công nghệ thông tin:

     Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của thư viện cấp huyện đang trở thành một nhu cầu để đảm bảo cho việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thông tin chất lượng cao phục vụ bạn đọc. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện sẽ giúp cán bộ thư viện và bạn đọc tìm tin, xử lý tài liệu hiệu quả hơn, và chỉ có ứng dụng Công nghệ Thông tin thư viện mới có thể áp dụng được Khổ mẫu biên mục (MARC 21) và một số chuẩn nghiệp vụ khác.

     8. Thống nhất áp dụng các chuẩn nghiệp vụ.

     Nhằm chuẩn hoá hoạt động nghiệp vụ và thúc đẩy tiến trình hội nhập của thư viện Việt Nam với thư viện cả nước, thư viện các nước trong khu vực, thời gian tới Thư viện tỉnh tập trung chỉ đạo các thư viện huyện, thị, thành phố triển khai quy định của Bộ VH,TT&DL về áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong hoạt động.

     Chúng ta tin tưởng rằng với sự quan tâm của Bộ VH,TT&DL, của tỉnh và của các cấp, các ngành ở cơ sở, cùng với sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình của cán bộ Thư viện cấp huyện, công tác tổ chức và hoạt động của Thư viện cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có nhiều bước phát triển, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của bạn đọc, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đóng góp tích cực vào tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương đất nước.

Thư viện số Tra cứu sách

KẾT NỐI WEBSITE

Bộ VHTTDL Sở văn hóa thể thao và du lịch thanh hóa Thư viện quốc gia việt nam

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

LƯỢT TRUY CẬP