Banner top Thư viện tỉnh Thanh hoá
  • Loading...

THƯ VIỆN TỈNH TRONG THỜI KỲ XÂY DỰNG HÒA BÌNH

Lê văn Bài

Nguyên Phó Giám đốc Thư viện tỉnh

 

     Chiến thắng 30/4/1975 kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc kéo dài 30 năm. Đất nước hòa bình thống nhất bắt tay vào xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.

     Tuy nhiên, do hậu quả chiến tranh, do kéo dài quá lâu cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan lưu bao cấp, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Trong những năm 80, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, lương thực, đồ dùng thiết yếu thiếu nghiêm trọng, nạn đói tràn lan. Đời sống cán bộ thư viện Thanh Hóa cũng không nằm ngoài hoàn cảnh đó.

     Nhưng có điều đặc biệt, trong lúc đời sống thiếu thốn khổ cực như vậy thì phong trào đọc sách lại càng lên cao, người đọc đến thư viện rất đông. Ở thị xã lúc đó, để đáp ứng nhu cầu đọc của dân, Thư viện phải mở cửa ban đêm và các ngày chủ nhật. Buổi tối mùa hè, trời nóng quạt trần cũ kỹ vừa quay vừa kêu, bóng đèn sợi đốt đỏ quạnh mà người đọc vẫn say sưa đọc sách báo. Nhiều cuốn sách như “Đứng trước biển”, “Cù lao Chàm”, “Gen ni Géc hát”,... bạn đọc yêu cầu cao tới mức thư viện không đáp ứng nổi trở thành cơn sốt. Nhiều bạn đọc phải nhờ người thân quen trong thư viện mới có sách mà đọc. Sau 1975 cũng là thời kỳ hoàn thành xây dựng thư viện huyện, mặc dù có vài thư viện huyện đã ra đời từ năm 1960. Lúc này ngành Văn hóa đặt vấn đề xây dựng toàn bộ thư viện huyện. Thời đó, lớp trung cấp thư viện đầu tiên của trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh được tốt nghiệp, đủ trang bị cho mỗi thư viện một cán bộ. Ngoài kinh phí mua sách các thư viện huyện được đầu tư cơ sở vật chất: giá sách, tủ mục lục. Mỗi thư viện huyện có một ngôi nhà cấp 4 ở trung tâm phố huyện, tách rời khỏi Văn phòng UBND huyện, thuận tiện cho người đọc ra vào, đến cuối thời kỳ này mỗi thư viện huyện có 400 - 500 bản sách, chục tờ báo, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân. Sự đọc ở phố huyện cũng tạo nên nhu cầu đọc sách đến các làng xã trong huyện một điều kiện quan trọng để chúng ta bắt tay xây dựng thư viện xã sau đó.

     Sau khi thư viện huyện đã tạm thời ổn định, tỉnh ta phát động xây dựng thư viện xã trên phạm vi toàn tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, ngành văn hóa ra quân những lực lượng chủ lực, chủ lực vẫn là cán bộ Thư viện huyện và sự tiếp sức của Thư viện tỉnh. Các địa phương hưởng ứng, các Cấp ủy Đảng, Chính quyền, Phòng Văn hóa rất tích cực ủng hộ hỗ trợ. Các thư viện xã lần lượt ra đời ở tất cả các huyện, kể cả miền núi. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động, duy trì và phát triển các thư viện xã mới ra đời, các huyện mở các lớp tập huấn cán bộ thư viện xã từ một tới vài tháng. Thư viện tỉnh phải biên soạn tài liệu, cử cán bộ, người có chuyên môn vững, có khả năng sư phạm giúp các huyện giảng dạy. Các huyện thi đua hoàn thành 100% số xã có thư viện. Kết quả sau khoảng 10 năm tỉnh ta có khoảng 400 thư viện xã, ở khắp các huyện kể cả miền núi như Điền Lư (Bá Thước), Cẩm Ngọc (Cẩm Lương). Số thư viện xã, tỉnh ta dẫn đầu cả nước và trong đó có nhiều thư viện xã tầm cỡ hàng đầu cả nước như: Xuân Lai, Nam Giang, Phú Yên (Thọ Xuân), Đông Văn (Đông Sơn), Thiệu Ninh (Thiệu Hóa), Hà Châu (Hà Trung), Nga Thủy, Nga Tiến (Nga Sơn)...

     Với sự phát triển ở cả ba cấp như vậy, Thư viện tỉnh ta đã trở thành mạng lưới rộng khắp phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân, và qua đó góp phần nâng cao dân trí, đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước vào lòng dân, đưa tri thức khoa học kỹ thuật vào thực tiễn đời sống và sản xuất, đưa việc đọc thành nề nếp, thành thói quen, đưa văn hóa thấm sâu vào cuộc sống, hình thành con người văn hóa thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà.

     Thời gian này, công tác tuyên truyền sách chúng ta cũng làm rất tốt có một mạng lưới thư viện rộng khắp từ huyện xuống xã cho phép chúng ta tiến hành việc này trên phạm vi cả tỉnh.

Chúng ta đã tổ chức phát động nhiều cuộc thi đọc sách bằng hình thức trả lời câu hỏi theo sách, trong đó có nhiều cuộc chúng ta tham gia với Liên hiệp Thư viện Bắc miền Trung. Các cuộc thi do Thư viện tỉnh phát động được hưởng ứng rất nhiệt liệt, tất cả các huyện đều tham gia, có cuộc thi chúng ta thu về hàng chục vạn bài như cuộc thi năm 1995, 50 năm kỷ niệm nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Các bài thi được chấm trao giải trang trọng, vui vẻ, nó có tác dụng khuyến khích tinh thần đọc sách xây dựng văn hóa đọc, và nâng cao nhận thức cho người dự thi, xây dựng văn hóa đọc trong dân chúng tỉnh nhà.

     Chúng ta còn tổ chức thi kể chuyện sách trong các cháu thiếu nhi. Nhiều huyện còn tổ chức thi tại các địa phương, chọn thí sinh để thi tỉnh. Cuộc thi toàn tỉnh được tổ chức quy mô trang trọng thường diễn ra ở Hội trường tỉnh 25B. Thư viện tỉnh lập Ban Giám khảo, chấm tổng kết các phần thưởng chu đáo. Cuộc thi kể chuyện theo sách khuyến khích việc đọc trong trẻ nhỏ, đưa sách đến các cháu, bắt đầu một quá trình gắn bó suốt đời với sách, đào tạo lớp bạn đọc tương lai trong các thư viện. Đồng thời nó cũng rèn luyện khả năng diễn đạt, trình bày, bồi dưỡng tài năng hùng biện ở các cháu có năng khiếu.

     Tuy nhiên, số Thư viện xã, thị trấn đang lớn mạnh thì gặp thử thách nghiêm trọng. Công cuộc đổi mới đưa đến thay đổi cơ chế quản lý kinh tế. Ở nông thôn, đơn vị kinh tế từ hợp tác xã chuyển về gia đình, các hợp tác xã nông nghiệp, sau 30 năm tồn tại, lần lượt giải thể, ngừng hoạt động. Và từ đó kinh phí mua sách báo, nuôi dưỡng cán bộ không còn, các thư viện xã đóng cửa hàng loạt.

     Trước thực tế khắc nghiệt đó sau bao băn khoăn suy nghĩ cân nhắc, cuối cùng Thư viện tỉnh quyết định chuyển quy mô từ thư viện xã về phòng sách báo làng, đảm bảo trước mắt cho dân có sách đọc hàng ngày. Lúc này, ngành Văn hóa Thông tin có chủ trương xây dựng làng văn hóa. Chúng ta đã kết hợp hai phong trào này, cố gắng để mỗi làng văn hóa có phòng sách báo nhỏ, đủ để làng có sinh hoạt văn hóa đều đặn, không “Xuân thu nhị kỳ” như các hoạt động khác.

     Mặt khác, đây cũng là thời gian thư viện nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện. Phương châm của thư viện lúc này là phục vụ phân biệt các tầng lớp bạn đọc khác nhau có trình độ, nghề nghiệp khác nhau, tuổi tác khác nhau, tâm lý khác nhau, do đó nhu cầu đọc củng khác nhau.

     Theo phương châm này, thư viện trước hết đa dạng hóa công tác bổ sung, ngoài phát hành sách thư viện còn bổ sung từ cơ quan nghiên cứu, các luận án tốt nghiệp Cao học ở các trường Đại học, ở các Công ty phát hành.

     Thư viện mở thêm nhiều phòng phục vụ chuyên biệt khác.

     - Phòng đọc thiếu nhi

     - Phòng đọc ngoại văn

     - Phòng đọc địa chí

      Để có các phòng đọc như trên, trước hết Thư viện tập trung xây dựng kho sách. Kho sách thiếu nhi tính từ số sách hiện có, bổ sung thêm một lượng lớn sách mới, đáp ứng nhu cầu đọc của các cháu tăng dần hàng năm.

     Thư viện cũng xây dựng kho tư liệu ngoại văn. Một lượng sách báo tiếng Nga được bổ sung hàng năm và báo chí Trung Quốc cũng được nhập về qua Công ty xuất nhập khẩu sách báo. Phòng ngoại văn ra đời thu hút số người học tập ở Liên Xô về nước, số giáo viên tiếng Nga, số người học tập tiếng Nga ở các trường và sau này cả các chuyên gia Liên Xô làm việc ở Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn. Kho sách ngoại văn của Thư viện tỉnh đã lên tới hàng ngàn bản.

     Một thành tựu lớn của thư viện thời kỳ này là tập trung xây dựng kho tư liệu địa phương phục vụ nghiên cứu về Thanh Hóa để phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong công cuộc xây dựng đất nước.

    Thư viện tỉnh đã sưu tầm tư liệu viết về Thanh Hóa ở cả ba ngoại ngữ: Tiếng Việt, Hán, Pháp. Được tỉnh và ngành hỗ trợ, chúng ta đã tiến hành tốt việc sưu tầm rộng rãi tài liệu Hán Nôm còn rải rác ở các địa phương. Chúng ta còn về Thư viện Quốc gia Việt Nam xin sao chụp các tài liệu viết về Thanh Hóa. Với cách làm đó nhiều năm liền, chúng ta có kho tư liệu địa chí khá phong phú và với kho sách như vậy nhiều cán bộ nghiên cứu đã về đây đọc, nhiều công trình nghiên cứu về Thanh Hóa đã ra đời từ phòng địa chí. Một số nhà khoa học Nhật Bản, Hàn Quốc cũng về đây tìm tư liệu về Khởi nghĩa Lam Sơn.

     Thư viện tỉnh còn có cách phục vụ khác nhau từng đối tượng bạn đọc. Học sinh trường chuyên Lam Sơn được ưu tiên cấp thẻ, mượn tài liệu. Nhiều học sinh nhờ đọc sách ở Thư viện tỉnh đã dự thi, đạt danh hiệu học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế.

     Với cán bộ nghiên cứu, thư viện yêu cầu họ đăng ký đề tài, qua đó thư viện tìm chọn sách cho họ. Thư viện tỉnh còn ra mượn sách của Thư viện Quốc gia Việt Nam phục vụ các đề tài đã đăng ký. Nhiều công trình nghiên cứu có kết quả nhờ cách phục vụ tận tình như vậy của thư viện.

     Thời kỳ này, công nghệ thông tin, một thành tựu vĩ đại của tri thức nhân loại đã được ứng dụng rộng rãi. Nhận rõ điều đó, lãnh đạo thư viện rất quan tâm đến vấn đề này. Các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin của Thư viện Quốc gia Việt Nam, của Ủy ban tỉnh, Thư viện thực hiện đầy đủ. Một số sinh viên công nghệ thông tin được nhận về. Các máy tính điện tử được trang bị dần, cán bộ được tập huấn phần mềm thư viện, ứng dụng từng việc như: in thẻ tập trung, lập mục lục điện tử, xây dựng mạng nội bộ. Đến nay, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã là một trong những tỉnh có trình độ tin học hóa cao nhất nước. Hơn 130 máy tính được trang bị cho cán bộ làm việc và bạn đọc tìm chọn tài liệu truy cập internet. Nhiều thư viện huyện, thị xã ở tỉnh ta cũng bước đầu được tin học hóa, ở đó cán bộ làm việc trên máy tính, bạn đọc tìm tư liệu và truy cập thông tin qua máy tính.

     Một nét nổi bật của thời kỳ này là UBND tỉnh, trước sự phát triển sự nghiệp tỉnh nhà đã đầu tư xây dựng nhà thư viện với số vốn lớn. Kết quả bây giờ chúng ta có ngôi nhà thư viện to đẹp vào bậc nhất cả nước, đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động chuyên môn trong nhiều chục năm nữa và góp phần tô điểm cho thành phố ta to đẹp hơn.

     40 năm sau hòa bình, đất nước ta có bước phát triển dài. Cũng thời gian đó, sự nghiệp Thư viện tỉnh nhà có bước tiến dài, toàn diện, đi vào hiện đại chính quy, đứng vào hàng tốp đầu các Thư viện tỉnh cả nước, đáp ứng nhu cầu đọc, học tập, giải trí của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa của tỉnh nhà đưa sự nghiệp xây dựng tỉnh Thanh Hóa đạt mục tiêu như Đại hội Đảng đề ra.

Thư viện số Tra cứu sách

KẾT NỐI WEBSITE

Bộ VHTTDL Sở văn hóa thể thao và du lịch thanh hóa Thư viện quốc gia việt nam

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

LƯỢT TRUY CẬP