Banner top Thư viện tỉnh Thanh hoá
  • Loading...

HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN TỈNH THANH HÓA TRONG NHỮNG NĂM CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ

Đỗ Hữu thích

Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

      Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi và bác Trần Ngọc Đào (cán bộ đi học) được phân công về Ty Văn hóa Thanh Hóa công tác. Tôi được phân về công tác ở Thư viện tỉnh, bác Trần Ngọc Đào được phân về phòng văn hóa quần chúng. Khi về Ty Văn hóa người đầu tiên tôi gặp là bác Nguyễn Trọng Hữu - một con người nhiệt tình và mến khách. Trước đó bác Hữu đã từng phụ trách Thư viện tỉnh. Vì vậy, bác đã cho tôi biết về tình hình tổ chức và hoạt động của Thư viện tỉnh từ khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong đó Thanh Hóa là một trong những trọng điểm đánh phá của chúng.

     Về tổ chức hiện Thư viện tỉnh có 05 cán bộ, trưởng bộ phận là bác Nguyễn Chánh Thức; một cán bộ thủ thư là bác Trương Khâm, chuyển từ ngành giáo dục sang; 3 cán bộ trung cấp là chị Kim Đỉnh (người Hà Nội) làm công tác bổ sung sách và biên mục, song chị đang làm thủ tục chuyển đổi cho chị Phương Lê để chuyển về thư viện Vĩnh Phúc và chị Phương Lê chuyển về Thư viện Thanh Hóa; còn 2 cán bộ trung cấp là anh Lương Quảng Tuấn (người Hưng Yên) và Lê Văn Các (người Quảng Trị) chỉ đạo phong trào đọc sách báo cơ sở và xây dựng Thư viện huyện, thị xã.

     Về hoạt động của thư viện tỉnh, đại bộ phận sách báo được đóng thùng gửi nhà dân ở các huyện, chỉ để lại một lượng rất ít để tổ chức phòng mượn phục vụ cán bộ và nhân dân ở khu sơ tán. Song số lượng độc giả đến mượn sách rất ít. Vì vậy, Thư viện lấy việc chỉ đạo phong trào đọc sách báo ở cơ sở và xây dựng tủ sách, dây sách ở làng, bản là chủ yếu. Hoạt động của Thư viện tỉnh trong giai đoạn này với phương châm “Sách đi tìm người”.

     Trên địa bàn tỉnh, ngoài Thư viện tỉnh, còn có Thư viện Quảng Nam kết nghĩa. Có 3 cán bộ và hơn một vạn bản sách và đang tổ chức hoạt động tại khu sơ tán.

     Những thông tin ban đầu mà bác Hữu cung cấp rất bổ ích cho tôi trong công tác sau này, nhất là khi được Ty Văn hóa giao nhiệm vụ phục trách Thư viện tỉnh.

     Những tháng đầu công tác ở Thư viện tỉnh, tôi được giao làm công tác bổ sung sách và biên mục, cũng có khi làm công tác thủ thư thay bác Khâm khi bác bận hoặc ốm đau, hàng tháng được phân công đi kiểm tra các kho sách gửi ở nhà dân xem có bị mối xông, chuột cắn.

     Công tác ở Thư viện được 4 tháng thì được lãnh đạo Ty Văn hóa giao nhiệm vụ phụ trách Thư viện thay bác Chánh Thức đi học trường Văn hóa tập trung của Bộ Văn hóa. Đây là việc quá sức đối với một sinh viên mới ra trường đang trong thời kỳ tập sự. Tuy vậy, được sự giúp đỡ và cộng tác của anh em trong Ty Văn hóa và trong Thư viện tỉnh, tôi đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

     Tuy được giao nhiệm vụ phụ trách chung, song tôi vẫn đảm nhiệm công tác bổ sung, biên mục và phối hợp với phòng văn hóa quần chúng mở và giảng bài cho các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa xã, phường, các huyện, thị xã. Ngoài công việc chính tôi cùng với anh Các, anh Tuấn tăng cường đi cơ sở xây dựng phong trào đọc sách báo. Công lao của Thư viện đã được đền đáp, nhiều điển hình tiên tiến đọc và làm theo sách báo được Bộ văn hóa và Thư viện Quốc gia Việt Nam, Ty Văn hóa khen và ghi nhận như: Quảng Ngọc (Quảng Xương); Hải Hòa (Tĩnh Gia); Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa); Hoa Lộc (Hậu Lộc); Thiệu Minh (Thiệu Hóa); Thọ Phú (Triệu Sơn); Xuân Thành (Thọ Xuân); Yên Qúy (Yên Định); Thành Long (Thạch Thành); Điền Lư (Bá Thước)... Trong những năm chống Mỹ cứu nước Thư viện tỉnh rất coi trọng việc phát động phong trào đọc sách về các gương chiến đấu của đồng bào Miền Nam ruột thịt, như các cuốn sách “Sống như anh”,“Người mẹ cầm súng” và các sách viết về người tốt việc tốt do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo. Đặc biệt, sau khi Bác Hồ mất 100 ngày Thư viện tỉnh đã mời nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện 10 buổi cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm trong và ngoài nước viết về Bác.

    Để hình thành hệ thống thư viện các huyện, thị xã trong tỉnh, năm 1967 được sự đồng ý của lãnh đạo Ty Văn hóa, Thư viện tỉnh đã phối hợp với trường Sơ cấp Văn hóa nghệ thuật mở lớp Sơ cấp Thư viện với 25 học viên, giảng viên là các cán bộ Thư viện tỉnh và anh Lê Văn Các được phân công làm chủ nhiệm lớp. Sau khi tốt nghiệp các học viên được phân công về các Phòng Văn hóa huyện phụ trách thư viện và chỉ đạo phong trào đọc sách báo trên địa bàn. Từ khi có cán bộ làm công tác thư viện ở các huyện, thị xã phong trào đọc và làm theo sách báo ngày càng được mở rộng. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thư viện từ 1966 đến năm 1970 lãnh đạo Ty Văn hóa bổ sung cho Thư viện tỉnh 03 cán bộ sơ cấp, 03 cán bộ trung cấp và một cán bộ đại học là anh Nguyễn Tất Thắng (người Hà Nội). Trong số cán bộ trung cấp có anh Vinh công tác ở thư viện được một năm thì anh nhập ngũ vào cuối năm 1968 và anh đã hy sinh năm 1972 ở Quảng Trị. Trong số 03 cán bộ sơ cấp, năm 1973 anh Viên người xã Quảng Đức (Quảng Xương) đã lên đường nhập ngũ. Như vậy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có 2 cán bộ Thư viện tỉnh tham gia quân đội và một là liệt sĩ.

     Sau đợt Tổng tiến công mùa Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Miền Nam buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố ném bom hạn chế Miền Bắc. Do đó, lãnh đạo Ty Văn hóa đã đồng ý cho Thư viện tỉnh được trở về thị xã hoạt động. Sau thời gian sơ tán, cơ sở nhà cửa, các phương tiện bị hư hỏng nhiều. Nhưng với tinh thần phấn khởi được trở “về nhà”, anh em động viên nhau khắc phục khó khăn, làm việc ngày đêm để sớm mở cửa lại phòng mượn phục vụ cán bộ và nhân dân ở nơi sơ tán trở về thị xã. Do cố gắng của anh em cán bộ nên chỉ sau 10 ngày phòng mượn đã được mở cửa và sau đó tiếp tục mở cửa phòng đọc. Cũng trong thời gian này, thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa chuyển các Thư viện tỉnh, thành phố từ Thư viện đại chúng lên Thư viện Khoa học tổng hợp, Ty Văn hóa đã giao cho Thư viện tỉnh xây dựng đề án trình Ủy ban Hành chính tỉnh. Đề án đã được Ủy ban Hành chính tỉnh chấp nhận và đến 1971, Ủy ban Hành chính tỉnh ban hành Quyết định thành lập Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh trực thuộc Ty Văn hóa. Từ đây Thư viện tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ty Văn hóa có con dấu riêng và được thành lập các bộ phận trực thuộc, Thư viện Khoa học tổng hợp đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao. Bởi thế, từ năm 1970 - 1973 Ty Văn hóa đã tăng cường cho thư viện thêm 7 cán bộ Đại học và một cán bộ Trung cấp. Trong số cán bộ Đại học được tăng cường có bác Trần Ngọc Đào được chuyển từ Phòng Văn hóa quần chúng sang, có 01 đồng chí tốt nghiệp Đại học ở Liên Xô và 05 đồng chí tốt nghiệp Đại học trong nước. Do không phù hợp với đòi hỏi của nhiệm vụ mới, nên số cán bộ sơ cấp được chuyển về công tác tại Ty Văn hóa. Như vậy, cho đến năm 1973 Thư viện tỉnh có 09 cán bộ có trình độ Đại học và 05 cán bộ có trình độ Trung cấp. Đây là đội ngũ cán bộ khá mạnh.

     Thực hiện Quyết định của Ủy ban Hành chính tỉnh về chức năng, nhiệm vụ của Thư viện Khoa học tổng hợp, Thư viện đã thành lập các bộ phận gồm: Bộ phận Bổ sung - Biên mục, bộ phận Địa chí, bộ phận Phục vụ bạn đọc (phòng mượn và phòng đọc), bộ phận Chỉ đạo phong trào đọc sách báo cơ sở và hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện huyện, thị xã. Chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận được quy định cụ thể. Ví dụ bộ phận Bổ sung - Biên mục phải tập trung xây dựng kho sách, ưu tiên bổ sung sách khoa học kỹ thuật (cả Việt văn và ngoại văn). Nếu trước kia bổ sung sách thông qua Công ty Phát hành sách tỉnh thì nay phải mở rộng quan hệ với các Nhà xuất bản, các Viện nghiên cứu, các Học viện, các Trường Đại học, bổ sung các sách khoa học chuyên ngành, các giáo trình phục vụ cho công tác nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học tỉnh; hàng tháng phải biên soạn thư mục giới thiệu sách phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phục vụ công tác nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học tỉnh, mời diễn giả giới thiệu sách nhất là sách khoa học kỹ thuật phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Bộ phận phục vụ bạn đọc phải coi trọng phát triển độc giả, ưu tiên phát triển độc giả là cán bộ khoa học kỹ thuật, các giáo viên các trường chuyên nghiệp, các trường PTTH. Ngoài ra, phải tăng cường giới thiệu sách mới, phối hợp với bộ phận bổ sung tổ chức trưng bày sách phục vụ các sự kiện chính trị lớn của đất nước và của tỉnh. Bộ phận Địa chí phải chú trọng sưu tầm các sách báo nước ngoài viết về Thanh Hóa nhất là sách Hán nôm và sách Pháp văn, tổ chức biên dịch ra tiếng Việt để phục vụ độc giả...

     Hoạt động của Thư viện tỉnh đang dần đi vào nề nếp. Cuối năm 1971 đế quốc Mỹ lại tiến hành đánh phá Miền Bắc lần thứ 2. Trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, thư viện được lệnh sơ tán triệt để kho sách về nông thôn. Như vậy, thư viện trở lại hoạt động như thời chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của giặc Mỹ, lại lấy chỉ đạo phong trào và hướng dẫn nghiệp vụ các thư viện huyện, thị xã là nhiệm vụ trung tâm.

     Sau hiệp định Paris (01/1973) Thư viện được lệnh trở về thị xã. Song lúc này khó khăn hơn nhiều so với trở về lần trước (1969), vì trụ sở Thư viện được Ủy ban tỉnh tạm giao cho Phòng Quy hoạch - Sở Xây dựng làm việc. Do đó, Thư viện phải chuyển về Nhà hát Nhân dân để tổ chức hoạt động.

     Sau thời gian hoạt động tạm thời ở Nhà hát Nhân dân, thư viện được chuyển về địa điểm cũ. Lúc này coi như làm lại từ đầu, sửa chữa lại ngôi nhà chính, làm thêm nhà mới để làm việc và cho cán bộ ở, đóng giá sách, tủ mục lục, bàn ghế làm việc, tổ chức phòng đọc, phòng mượn...Trong lúc bộn bề bao công việc, Ủy ban tỉnh giao thêm nhiệm vụ tổ chức một phòng đọc tại thị xã Sầm Sơn phục vụ các chiến sĩ cách mạng bị Mỹ - Ngụy bắt tù đầy được trao trả sau Hiệp định Paris tập kết ở Sầm Sơn. Tuy công việc nhiều, nhưng với tinh thần phấn khởi, anh em động viên nhau làm ngày, làm đêm, kể cả ngày nghỉ, chủ nhật để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất và được lãnh đạo tỉnh khen ngợi. Cái khó nhất hoạt động Thư viện trong thời chiến là bảo vệ kho sách gửi ở nhà dân. Sách thường bị mối xông, chuột cắn, kho sách bị hư hỏng nhiều.

     Sau hiệp định Paris, song song với việc tổ chức lại hoạt động của thư viện tỉnh, thư viện đã phối hợp với Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh mở lớp Trung cấp Thư viện đầu tiên của tỉnh để đào tạo cán bộ cho các Thư viện huyện, thị xã, các trường chuyên nghiệp và các ngành trong tỉnh. Việc làm này đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của các Thư viện huyện, thị xã và phong trào đọc sách báo trong tỉnh và hình thành mạng lưới thư viện từ tỉnh đến các huyện, thị xã và các trường chuyên nghiệp trong tỉnh.

     Bài viết ngắn này không thể nói hết được sự vất vả và những khó khăn của anh chị em cán bộ thư viện tỉnh trong thời gian chống chiến tranh phá hoại của đế quốc và những năm đầu sau Hiệp định Paris. Nhiều anh chị em phải vượt qua những điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ hoặc leo đèo, vượt suối đến các vùng miền trong tỉnh chỉ đạo phong trào đọc sách, báo. Có anh, chị một tháng chỉ về thư viện một lần để báo cáo công tác, còn chủ yếu ở với đồng bào thôn, bản xây dựng phong trào đọc sách, báo.

     Đội ngũ cán bộ Thư viện tỉnh trong thời gian chống Mỹ cứu nước hầu hết nay đã nghỉ hưu, có người đã về với thế giới người hiền, song chúng ta không thể quên công lao đóng góp của họ để hôm nay thư viện tỉnh có ngôi nhà khang trang, đẹp nhất tỉnh, có đầy đủ thiết bị, tiện nghi làm việc, có đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ.

     Được sự quan tâm, ưu ái của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với đội ngũ cán bộ nhiệt tình có trách nhiệm tôi tin trong thời gian tới Thư viện tỉnh sẽ đạt được nhiều thành tích trong phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn.

Thư viện số Tra cứu sách

KẾT NỐI WEBSITE

Bộ VHTTDL Sở văn hóa thể thao và du lịch thanh hóa Thư viện quốc gia việt nam

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

LƯỢT TRUY CẬP